Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
* Cần có giải pháp tăng tổng cầu nền kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước.
* Chủ động tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu, đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép lên nền kinh tế.
* Cần kiểm soát tốt chi tiêu ngân sách, ưu tiên chi QP-AN.
(Cadn.com.vn) - Ngày 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014. Qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các ĐBQH đều tập trung vào một số vấn đề lớn hiện nay:
TĂNG TÍNH ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7(ngày 20-5-2014), nêu rõ: Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo).
So với số đã báo cáo QH, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn đã khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của QH. Riêng những tháng đầu năm 2014, tăng trưởng GDP quý I cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp; thu ngân sách đạt khá so với dự toán; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm; tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; tiến trình tái cơ cấu đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm...
Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH (ngày 23-5), đa số ý kiến của ĐBQH cho rằng kết quả trên là do Chính phủ kiên trì điều hành các chính sách kinh tế theo mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội là “tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”. Đặc biệt, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vẫn được ưu tiên và bảo đảm... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn khó khăn mới như nền kinh tế dù có tăng trưởng nhưng chưa tạo được đột phá. Cụ thể, tín dụng không tăng đáng kể, đầu tư công giải ngân chậm, thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, thị trường chứng khoán biến động thất thường, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, tái cơ cấu nền kinh tế chưa có kết quả rõ rệt, đặc biệt niềm tin của thị trường chưa phục hồi so với cuối năm 2013.
Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia thảo luận vào sáng 2-6. |
ĐỀ PHÒNG TRUNG QUỐC GÂY SỨC ÉP VỀ KINH TẾ
Tham gia thảo luận vào sáng 2-6, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã nêu ra một số vấn đề được nhiều ĐBQH đồng tình và quan tâm. Theo ĐB Nghĩa, Chính phủ đã có những nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về cải cách thể chế, đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước. Sau 5 tháng thực hiện, nền kinh tế tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn yếu, những nỗ lực để tăng tổng cầu mang lại kết quả rất hạn chế. Bên cạnh đó, sự bất ổn tình hình biển Đông trong những ngày gần đây đang tác động rất bất lợi về tâm lý thị trường.
Để đạt được các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu theo Nghị quyết QH đề ra, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới, chủ động tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu; đặc biệt đề phòng khả năng Trung Quốc gây sức ép đối với nền kinh tế nước ta.
Về vấn đề giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn nợ, khoanh nợ hoặc mua lại nợ xấu vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề, bởi biện pháp đó không khác gì “đánh bùn sang ao”. Do đó, ĐB đề nghị vấn đề xử lý nợ xấu và hạch toán nợ công cần được thực hiện thông qua một chiến lược, kế hoạch rõ ràng, mang tính tổng thể, đồng bộ... Bên cạnh đó, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị kiểm soát tốt chi tiêu ngân sách, ưu tiên chi QP-AN để đáp ứng yêu cầu tình hình mới; bảo đảm an sinh xã hội; quản lý chặt chẽ các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; không tăng thêm bộ máy Nhà nước khi ban hành các luật mới...
Hàng nông sản Việt Nam thường xuyên bị thương lái Trung Quốc “làm giá”. Trong ảnh là hình ảnh xe chở dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: N.T |
B.T- H.Hoa