Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Chính phủ trình 7 dự án luật
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 4-6, QH họp phiên toàn thể tại Hội trường về vấn đề lập pháp. Theo đó, buổi sáng, QH nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; buổi chiều QH nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án Luật Căn cước công dân (CCCD); Luật Hộ tịch; Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) chỉ rõ: Luật Đầu tư hiện hành còn tồn tại những hạn chế về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; chính sách bảo đảm đầu tư; lĩnh vực cấm đầu tư, các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài... Đồng quan điểm trên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ với các luật liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, ĐBQH cho rằng việc sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Nhiều ĐB nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ GTVT nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Cho ý kiến về an ninh hàng không, các đại biểu cơ bản tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không trong dự án Luật nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay và an ninh, trật tự trong suốt chuyến bay....
Tờ trình dự án Luật CCCD đánh giá thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý CMND, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ CA. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về CCCD cho đến nay chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Dự án Luật gồm 5 chương, 36 điều và được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nhất trí về sự cần thiết luật hóa những quy phạm pháp luật đã thực hiện ổn định, thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Hộ tịch nêu rõ việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch gồm 7 chương, 76 điều quy định các vấn đề về hộ tịch, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch của người dân. Đồng thời, dự thảo Luật cũng không quy định thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi quốc tế, là những vấn đề tuy có liên quan đến hộ tịch, nhưng đòi hỏi quy trình giải quyết đặc biệt hơn và đã được Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi điều chỉnh.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Chính phủ khẳng định việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách. Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của QH nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và trường hợp mất quốc tịch của Luật Quốc tịch Việt Nam. Thời gian còn lại của buổi chiều, các đại biểu QH nghe tờ trình dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) và các báo cáo kiểm tra.
B.T