Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Còn nhiều ý kiến khác nhau về lấy phiếu tín nhiệm

Thứ bảy, 14/06/2014 10:07

* THÔNG QUA LUẬT BHYT VỚI TỶ LỆ 82,73%

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm y tế (BHYT, sửa đổi); cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Thi hành án dân sự (THADS, sửa đổi); tiếp tục thảo luận dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Người nghèo sẽ được giảm mức cùng chi trả khi tham gia BHYT.

BẮT BUỘC TOÀN DÂN THAM GIA BHYT

Luật BHYT (sửa đổi) chính thức được QH thông qua chiều 13-6, với tỷ lệ 82,73% ĐBQH tán thành (412/428 ĐB tham gia bỏ phiếu). Luật BHYT (sửa đổi) vừa được QH thông qua đã sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia BHYT; về quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT; về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.

Thảo luận về dự án Luật THADS (sửa đổi), ĐBQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thẩm quyền ra quyết định THADS. ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị giao Tòa án thẩm quyền ra quyết định THADS, nhằm đảm bảo cho 100% bản án, quyết định của Tòa án được thi hành. Tuy nhiên, ĐBQH  Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, bởi nếu giao cho Tòa án thì sẽ làm tăng thêm biên chế, tổ chức không cần thiết; đồng thời sẽ làm tăng thêm một thủ tục pháp lý- hành chính gây phiền hà cho người dân, đi ngược quan điểm, định hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay. ĐB Huỳnh Nghĩa nhận định, dự thảo luật quy định theo hướng chuyển nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án từ người được THA sang cơ quan THADS là đúng đắn, khắc phục được vấn đề rất bất hợp lý của luật hiện hành.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhất trí xã hội hóa hoạt động THADS nhưng ĐB không đồng ý đưa nội dung thừa phát lại (TPL) hiện nay vào luật, vì việc thí điểm TPL đang thực hiện tại TPHCM và 12 tỉnh, thành phố khác. Do đó, việc luật hóa vấn đề này hay không sẽ do QH quyết định trên cơ sở tổng kết quá trình thí điểm TPL vào cuối năm 2015 theo Nghị quyết 36 của QH.

Về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị, luật cần quy định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cấm đầu tư, không nên ghi chung chung như dự thảo, nhằm tránh để xảy ra những vụ án gây tranh cãi như vụ bầu Kiên vừa qua. Cần giải thích rõ thế nào là gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, vì hiện nay có nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến sức khỏe người dân thì có cấm đầu tư không?

THỜI ĐIỂM LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM THẾ NÀO CHO HỢP LÝ?

Bàn về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND như đã quy định tại Nghị quyết số 35. Tên gọi của Nghị quyết đã xác định rõ đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Mặc dù thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng là những người chịu sự giám sát của HĐND và có trách nhiệm báo cáo, trả lời chất vấn tại HĐND, nhưng thẩm quyền đánh giá, quản lý cán bộ lại không thuộc HĐND. Do vậy, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này sẽ được thực hiện theo quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

Thảo luận về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (Điều 7), một số ý kiến tán thành với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014. Các ý kiến này cho rằng quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết.

Một số đại biểu khác đề nghị cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong mỗi nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 vì theo phân tích nếu mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần sẽ khó nâng cao trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong việc cải tiến chất lượng hiệu quả công việc, nhất là đối với những người thời gian công tác không còn nhiều. Một số có thể cho rằng thời gian còn dài nên chậm trễ triển khai khắc phục hạn chế; số khác có tâm lý hết nhiệm kỳ sẽ nghỉ nên việc đánh giá không quan trọng, không tập trung khắc phục thiếu sót. Hơn nữa nếu lấy phiếu tín nhiệm một lần/ nhiệm kỳ sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở để bố trí sử dụng cán bộ như mục đích Nghị quyết đề ra.

Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu vẫn còn những quan điểm khác nhau. Một số ý kiến nhất trí với việc tiếp tục quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong Nghị quyết số 35 là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm bởi cho rằng việc quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm khó dẫn đến việc xử lý được cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Một số ý kiến khác đề nghị đổi mức độ “tín nhiệm thấp” hiện nay thành “không tín nhiệm”...

H.Hoa-Quỳnh Hoa