Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới

Thứ tư, 05/06/2019 06:30

Ngày 4-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Quốc hội sẽ dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

 Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn.

Củng cố quy chế thi cử chặt chẽ

Đầu phiên làm việc chiều 4-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trả lời, trao đổi thêm về các nội dung đại biểu quan tâm như: vấn đề an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng; vấn đề gian lận thi cử...

Trả lời đại biểu về giải pháp của Chính phủ liên quan đến tình trạng gian lận thi cử, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, ngay khi xảy ra cái vụ việc gian lận thi cử, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu lực lượng Công an khẩn trương kiểm tra, xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải khởi tố xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý tiêu cực, gian lận trong sai phạm kỳ thi phổ thông trung học vừa qua (năm 2018).

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi phổ thông quốc gia năm 2019 là đảm bảo trung thực, khách quan và tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh cả nước; đã đề ra một số giải pháp về việc thi cử và đảm bảo khách quan, trung thực. “Ở đây có câu chuyện phụ huynh muốn cho con em mình được thi đậu nên có hành động tiêu cực, trong bộ máy giáo dục cũng có tiêu cực, quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ. Từ đó xảy ra những sơ sót, bị lợi dụng, dẫn đến có hành vi gian lận trong thi cử” - Phó Thủ tướng lý giải.

“Làm thế nào để chúng ta có một nền tảng đạo đức xã hội về ý thức trách nhiệm sống trung thực, tôn trọng những giá trị đạo đức xã hội, tôn trọng quyền lợi của người khác, không làm mất đi cơ hội của người khác. Nhận thức này phải được giáo dục ngay từ trong nhà trường, từ cấp mẫu giáo, các cấp học, trong các cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị, trong bộ máy của ngành giáo dục và phụ huynh học sinh. Phải nhận thức được điều này mới lên án đối với hành vi tiêu cực” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, đạo đức công vụ, trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước và điều hành công việc. Đồng thời, củng cố quy chế thi cử chặt chẽ và phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan chức năng để đảm bảo tổ chức thi cử khách quan, nghiêm minh, công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của các cơ quan giám sát và của cộng đồng xã hội.

T.T

Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các Bộ trưởng: Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan trong quá trình chất vấn khi cần thiết cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý.

Ngay sau khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người đầu tiên trả lời chất vấn về những vấn đề thứ nhất.

Áp lực ma túy từ nước ngoài

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt vấn đề: Vì sao từ năm 2017 trở lại đây, số lượng ma túy phát hiện đặc biệt lớn, tính bằng tạ, tấn. Nguyên nhân tại sao lại như vậy, nếu không làm rõ nguyên nhân thì giải pháp không chính xác?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Bộ Công an đã đánh giá được tình hình phức tạp về ma túy và dự báo trước tình hình. Năm 2018, Bộ Công an đã bắt đầu triển khai những biện pháp tích cực ngăn chặn nguồn ma túy rất lớn vào trong nước qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình và Sơn La. Sau khi bị trấn áp mạnh, các đối tượng ma túy chuyển hướng hoạt động vào các tỉnh miền Trung, thậm chí miền Nam và đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện có sự can thiệp, chỉ đạo của các tội phạm ma túy là người nước ngoài.

Đề cập đến thách thức, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ trưởng Công an cho biết: Việt Nam đang phải chịu áp lực ma túy từ nước ngoài vào rất lớn do ở gần trung tâm sản xuất ma túy là Tam Giác Vàng. Nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao, số người nghiện ma túy cũng tiếp tục gia tăng, nguồn cung rất lớn và nhu cầu cũng ngày một phát triển. Bên cạnh đó, trong quản lý cửa khẩu, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhập khẩu thuận lợi, thông thoáng, bị tội phạm lợi dụng, Bộ trưởng lý giải.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổng thể để ngăn chặn tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Bộ Công an cũng phối hợp với Lào tổ chức cao điểm triệt phá ma túy có hiệu quả tốt. “Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy và không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ra thế giới” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Xem xét việc coi người sử dụng ma túy là tội phạm

Nêu vấn đề số người nghiện ma túy đang có xu hướng tăng, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, nguyên nhân do không còn xử lý hình sự với người nghiện ma túy, đồng thời Đề án cai nghiện ma túy đến năm 2020 của Chính phủ có chủ trương giảm cai nghiện bắt buộc, tăng cai nghiện tự nguyện trong khi hình thức cai nghiện này không hiệu quả vì tỷ lệ tái nghiện cao. Đại biểu chất vấn về giải pháp xử lý vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ đã xác định từ tội phạm ma túy nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người, cướp của. Tội phạm ma túy rất nguy hiểm, số người trong trại cải tạo dao động từ 50 - 60% số người có liên quan đến ma túy.

Nhấn mạnh đấu tranh với ma túy là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về pháp luật, Bộ đang đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, nghiên cứu khôi phục Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, cơ sở, khu dân cư; công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội, trong gia đình, cũng như quản lý tại các cơ sở cai nghiện...

Đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ.

Cần thêm chế tài xử phạt vi phạm giao thông

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại hội trường Quốc hội sáng 4-6 là về công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, xử phạt an toàn giao thông, kiểm soát giao thông có sự nỗ lực chung của lực lượng Cảnh sát giao thông nhưng hiện nay công tác này vẫn còn bất cập. “Chúng ta điều chỉnh vấn đề về trật tự an toàn giao thông mới trên cơ sở luật về giao thông đường bộ. Với phạm vi của luật và một số văn bản dưới luật thì quản lý, đảm bảo trật tự về an toàn giao thông cũng chưa đáp ứng yêu cầu” - Bộ trưởng Bộ Công an lý giải.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đang kiến nghị với Quốc hội để hình thành, xây dựng luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông với nhiều chế tài. Tuy nhiên, Bộ Công an đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ trưởng đưa ra ví dụ những biện pháp để đo nồng độ cồn có thể sẽ không được thực hiện nữa sau khi lấy ý kiến Quốc hội ngày hôm qua.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi thêm về việc ngày 3-4, Quốc hội có xin ý kiến về vấn đề xử phạt với lái xe sử dụng rượu bia. Chủ tịch Quốc hội khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông mà bởi luật hiện hành đã có quy định. Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu, bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến thì không phương án nào quá 50% ý kiến tán thành.

“Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành” - Chủ tịch Quốc hội cho biết; đồng thời nhấn mạnh việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không có xử phạt lái xe uống rượu, bia.

Đẩy mạnh trấn áp tội phạm xâm hại trẻ em

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy về việc số vụ xâm hại trẻ em thời gian qua gia tăng hay do gia đình nạn nhân mạnh dạn tố cáo, truyền thông đưa tin và các cơ quan tư pháp đã đẩy mạnh xử lý, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngành công an đã phối hợp Tòa án, Viện kiểm sát thống nhất quy trình, cách thức xử lý hướng dẫn tố giác tin báo, khởi tố tội xâm phạm tình dục với người dưới 16 tuổi.

Trước đây, việc xử lý tội phạm này khó khăn nhưng hiện nay, quy trình từ tiếp nhận đến cách thức xử lý đã được thống nhất trên toàn quốc nên khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ trong giải quyết vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, đẩy mạnh trấn áp loại tội phạm này.

Về việc số vụ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, xử lý gia tăng thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng đã tạo lòng tin cho người dân, số lượng người dân tố cáo loại tội phạm này nhiều hơn. “Người dân tin vào sự xử lý, giải quyết của cơ quan chức năng nên đã có sự hợp tác hơn. Người dân mạnh dạn tố cáo, lên án tội phạm xâm hại nên việc phát hiện và xử lý những vụ việc này tăng lên”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

QUỲNH NHƯ – THU THỦY