Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện “giữ ghế”

Thứ năm, 30/05/2019 07:18

Ngày 29-5, các đại biểu Quốc hội (QH) nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, vấn đề đặc biệt quan tâm là đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời báo giới.

Hai phương án điều chỉnh

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra hai phương án trình QH xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo Bộ luật cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cần lấy ý kiến rộng rãi

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các phương án cụ thể được Chính phủ báo cáo QH vẫn chưa thực sự thuyết phục. Nêu quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại phiên họp thẩm tra chính thức dự án Bộ luật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải quan tâm đến đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và mức tăng. “Chúng ta cần phát huy thời cơ thời kỳ dân số vàng, đồng thời cũng đang là thời kỳ già hóa dân số. Đối tượng lao động trực tiếp của một số ngành nghề và những ngành nghề đặc thù cần tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về tuổi nghỉ hưu”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Trung Thành nêu rõ: Cơ quan trình dự án Bộ luật cần báo cáo giải trình rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của đề xuất trong điều kiện của Việt Nam; lý do của việc điều chỉnh khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ chênh nhau 5 tuổi trong Bộ luật hiện hành xuống chỉ còn 2 tuổi là gì?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ xem xét độ tuổi về hưu đối với một số ngành nghề đặc thù như giáo viên, diễn viên múa, xiếc... Việc cho nghỉ hưu phải đi liền với bậc lương, để không thiệt thòi quyền lợi cho người lao động trong những ngành nghề này. “Chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, trong khi nhiều người lao động vẫn mong muốn được nghỉ hưu sớm”, ông Hạ nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cũng đặt ra hàng loạt vấn đề yêu cầu cơ quan trình dự án Bộ luật cần tiếp tục phân tích, làm rõ. Theo đó, cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ, trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cũng cho rằng, Chính phủ cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; đồng thời rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Chuyện phải tính

Trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện người già “tranh” chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế làm việc.

Theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính tới yếu tố tăng trưởng việc làm, đảm bảo sự bền vững và cần căn cứ vào rất nhiều mục tiêu khác như đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm trong lâu dài, vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới... “Mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động nhanh chóng, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, quy định vể tuổi nghỉ hưu 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ hiện đang áp dụng đã có từ năm 1961, tức là đã khoảng 60 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của Việt Nam tại thời điểm đưa ra quy định về tuổi nghỉ hưu đang áp dụng chỉ hơn 45 tuổi, nhưng tới nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang là 76,6 tuổi, đặc biệt số người sống sau 55 tuổi với nữ hiện lên tới 79,5 tuổi. “Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi việc tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế và việc làm cho giới trẻ. Theo Bộ trưởng, Việt Nam không còn ở giai đoạn đỉnh cao của dân số “vàng” mà đang chuyển sang già hóa dân số. Hiện nay, 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm việc tiếp và lực lượng lao động trẻ của Việt Nam không dồi dào, ở nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già và phụ nữ.

“Không có chuyện người già “tranh” chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta đang tính cho tương lai. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định.

T.THỦY – TTXVN