Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: “Tự vệ trong doanh nghiệp” có khả thi?

Thứ sáu, 14/06/2019 06:30

Thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), sáng 13-6, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Liên quan đến tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), một số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là khó khả thi. Theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nên việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó bảo đảm phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng Tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước”. Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung này theo hướng quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Tô Văn Tám đặt ra vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong những doanh nghiệp này như thế nào? “Cấp chỉ huy, ban chỉ huy ở đây ra sao để đảm bảo vừa có chỉ huy trưởng, chính trị viên, chính trị viên phó, phó bí thư cấp ủy... Những vấn đề này chưa được xác định rõ trong dự thảo Luật, đề nghị ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi của quy định này”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên minh hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế thành lập theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo Luật có quy định về đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp mà chưa có quy định về tự vệ trong các tổ chức kinh tế khác. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, làm rõ nội dung này. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, cần quy định rõ nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp thành lập đơn vị tự vệ khi doanh nghiệp có đủ các yếu tố chứ không phải quyền của doanh nghiệp. Vì tổ chức lực lượng tự vệ là yêu cầu của Nhà nước chứ không phải nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ, bảo đảm tính khả thi, khắc phục những vướng mắc của Luật hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ của mình trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, cụ thể, khả thi; rà soát các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ; việc phân loại thế nào là dân quân, thế nào là tự vệ cũng cần phải quy định rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị của lực lượng dân quân tự vệ, vấn đề mở rộng lực lượng dân quân tự vệ, tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, làm rõ hơn các quy định về ban chỉ huy quân sự cấp xã, tính tương quan giữa hai vị trí trưởng công an xã và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã; rà lại các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để tránh mâu thuẫn với các luật khác, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp đã được ban hành.

PHAN PHƯƠNG