Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là cần thiết

Thứ tư, 22/05/2019 08:00

Ngày 21-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại hội trường để thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Kiến trúc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Nhiều đại biểu cho rằng, không thể sử dụng mỗi năm rồi lại thay sách khác, gây lãng phí.

Không thể mỗi năm dùng một bộ sách

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận dự án Luật Giáo dục là chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), xã hội hóa việc biên soạn SGK là cần thiết nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định lâu dài, không thể sử dụng mỗi năm rồi lại thay sách khác, gây lãng phí. Mặt khác, sách tham khảo do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng phải quy định cụ thể, rõ ràng để phòng ngừa việc lợi dụng sách tham khảo để dạy thêm, học thêm, học sinh nào không học thêm thì không biết làm bài tập kiểm tra, gây bức xúc trong phụ huynh. SGK giảng dạy phải được công bố có thời hạn trước khi năm học mới khai giảng để học sinh chủ động tìm sách học, không để thiếu sách cục bộ, gây khó cho học sinh và giáo viên như thời gian qua.

Nhìn về sự kết nối giữa nhà trường - gia đình - xã hội và triết lý giáo dục, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng vai trò của gia đình và xã hội chưa được nhận thức một cách đầy đủ, nhằm đảm bảo sự kết nối thực chất với nhà trường, để tạo nên hành lang an toàn, môi trường tốt nhất cho giáo dục. Theo đại biểu khi gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Xã hội phải định hình rõ được triết lý giáo dục, để từ đó đối tượng, mục tiêu và phương pháp giáo dục trong dự luật sẽ đi theo tinh thần triết lý đó.

Bảo tồn bản sắc văn hóa trong kiến trúc

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc. Quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc (Điều 5) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Tán thành với quy định như dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, ở nước ta hiện nay, nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa nhưng trải qua thời gian đã bị xuống cấp, thậm chí là xâm hại. Vì thế, việc quản lý Nhà nước đối với các công trình này rất quan trọng và cấp bách, đồng thời không chồng chéo với các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy không đồng tình với quy định giao UBND tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc.

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ không khả thi và dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong toàn quốc. Ban soạn thảo chỉ nên quy định theo hướng bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc không trái với thuần phong mỹ tục và nên giao Chính phủ quy định trách nhiệm nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy phân tích, việc quy định về bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn sâu, nhất là nước ta có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc rất phong phú, đa dạng.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng không nên giao UBND tỉnh quy định nội dung này vì sẽ không thể hiện được bản sắc của dân tộc. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét giao Bộ Xây dựng ban hành quy định về tổng thể bản sắc văn hóa dân tộc với công trình kiến trúc trên cả nước. UBND cấp tỉnh chỉ ban hành quy chế quản lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý trên địa bàn cả nước.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, không ai hiểu địa phương mình bằng chính địa phương đó vì thế vẫn nên giao UBND tỉnh lập, phê duyệt Quy chế kiến trúc trong đó có bản sắc văn hóa dân tộc. Bộ trưởng nhấn mạnh, Quy chế quản lý kiến trúc là một văn bản quy phạm pháp luật được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu thực hiện chặt chẽ trình tự này sẽ giải quyết được những băn khoăn về bản sắc văn hóa dân tộc để các địa phương cùng tham khảo.

 Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 22-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày  Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.

THU THỦY – TTXVN