Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Bộ trưởng Nội vụ cũng "rất phiền hà" với văn bằng, chứng chỉ

Thứ sáu, 08/11/2019 09:22

Ngày 7-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn giải đáp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm rõ thêm một số nội dung.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn.

Cần khoảng 130 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện

Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 7-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm một số nội dung. Lưu ý về nguy cơ thiếu điện trong những năm tới do nhiều dự án lớn chậm tiến độ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp về điều chỉnh quy hoạch ngành điện và giải quyết vướng mắc về cơ chế huy động đầu tư. Phó Thủ tướng cho biết: Sơ bộ đánh giá thì từ nay đến năm 2030, chúng ta cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD (bình quân khoảng 12 tỷ USD/1 năm), trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện. "Như vậy là rất khó khăn để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư này và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 đến năm 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu. Trước hết là phải tập trung lập quy hoạch Điện VIII giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đổi mới công tác lập quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từ đó xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện và phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện.

P.V

“Tôi thấy rất phiền hà”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh đó, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Đồng thời, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận “thấy rất phiền hà” trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ. Không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, Bộ trưởng cho rằng quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, Bộ trưởng bày tỏ: “Tôi thấy nó nhiều quá”.

Giải thích cho bất cập này, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm. “Tôi nghĩ là hai mươi mấy năm rồi, phải sửa”. Ông Lê Vĩnh Tân thay mặt Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm này: “Một quyết định để hai chục năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết trước Quốc hội năm 2020 sau Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào nữa”.

Chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ

Chỉ rõ việc tiếp tục chấn chỉnh các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình, người nhà, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết xác định đúng chức trách của người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, phát hiện và xử lý vi phạm. Tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất, tạo cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tránh ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội về kết quả đánh giá.

Những vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, về tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề tác động đến tổ chức, rất phức tạp. Trong quá trình thực hiện phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại đã tồn tại một thời gian dài. Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe ý kiến của người chịu sự tác động để có giải pháp, giải quyết đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời phải đảm bảo hợp tình, hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Chính phủ đang có những chủ trương giải quyết phải vừa đạt được yêu cầu các nghị quyết của Đảng, Quốc hội vừa không tạo ra những vấn đề xã hội bức xúc. Ví dụ, giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng, sắp xếp cán bộ dôi dư, hay một số vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận, như sáp nhập ba Văn phòng ở địa phương đã được xác định trong Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội, HĐND, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được Quốc hội thảo luận.

QUỲNH NHƯ – TTXVN