Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Cần thiết tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35?
Chiều 21-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tham gia giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội. Thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ sự tán thành với những vấn đề chung của dự thảo Luật, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Thông qua dự thảo Luật Thư viện Chiều 21-11, với 91,51% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Thư viện. Luật gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam. |
Tham gia cho ý kiến vào các điều luật cụ thể, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) cho rằng, “cần thiết tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35”. Theo Luật hiện hành, Điều 1 về độ tuổi của thanh niên quy định độ tuổi của thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Một trong những lý do được đại biểu Nhung đưa ra là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay đã tăng, sức khỏe, thể chất đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước. Bên cạnh đó, tăng tuổi thanh niên sẽ tập hợp được đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc; tạo sự thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại biểu Nhung cho biết: Qua thống kê 196 quốc gia trên thế giới, có 95 quốc gia quy định độ tuổi thanh niên trên 30 tuổi, chiếm trên 48%, trong đó quy định từ 35 - 40 tuổi là 45 quốc gia, chiếm gần 23%. Theo đại biểu Mai Thị Kim Nhung, đây cũng là một kênh để Việt Nam tham khảo khi xây dựng độ tuổi tối đa của Luật Thanh niên.
Tham gia giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này như cho rằng độ tuổi thanh niên nên bắt đầu từ 16 - 35 tuổi, hoặc từ 15 - 35, 18 - 30 tuổi...; lại có ý kiến đề xuất nên chia thành 4 nhóm tuổi... Ông Lê Vĩnh Tân khẳng định, Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định độ tuổi thanh niên là từ 16 - 30 tuổi, “Quá trình tổ chức thực hiện Luật này đến nay chưa thấy phát sinh những vấn đề cần nghiên cứu để sửa đổi”.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để phát triển nguồn nhân lực chuyển tiếp từ trẻ em sang tuổi trưởng thành, cần tập trung vào các chính sách đầu tư, phát triển toàn diện, nhất là khi độ tuổi này có những giai đoạn đặc thù về phát triển tâm sinh lý. Dù quy định độ tuổi là bao nhiêu, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, điều quan trọng là cần đảm bảo tốt chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên.
Q.N - T.T