Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Hôm nay, biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay (20-11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trao đổi bên hành lang Quốc hội về việc tiếp thu mới nhất của dự thảo Bộ luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, dự thảo Bộ luật sẽ tiếp thu những vấn đề lớn như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm tối đa, giảm giờ làm việc bình thường, tăng ngày nghỉ lễ... theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.
Về bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm, trong phần thảo luận tại tổ và hội trường, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, nhiều đại biểu để xuất sẽ chọn trong khoảng thời gian từ 1-5 đến 2-9. Một số ý kiến chọn ngày 28-6 với ý nghĩa là Ngày Gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, ý kiến chọn ngày cận kề với 2-9 lại mang nhiều ý nghĩa hơn vì sẽ kéo dài thêm cho kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh của đất nước,giúp nhiều gia đình, người lao động có hai ngày nghỉ ngơi, vui chơi cũng như có thêm thời gian chuẩn bị cho học sinh trước khai giảng năm học mới. “Quốc hội đưa ra hai lựa chọn là ngày 1-9 hoặc 3-9 và giao Chính phủ chọn một trong hai ngày này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết. Theo ông Lợi, quan trọng hơn, bản thân ý nghĩa ngày Tết Độc lập đã bao hàm ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam.
Một nội dung quan trọng khác là quy định về quyền nghỉ hưu sớm không còn giữ trong dự thảo Bộ luật. Khoản 2 dự thảo Bộ luật được tiếp thu, sửa đổi theo hướng người lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành nghề khác do Chính phủ quy định thì được giảm tối đa 5 năm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Ngoài ra, liên quan đến lao động nữ mang thai, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, dự thảo Bộ luật quy định cấm việc làm thêm giờ và không có “thỏa thuận” với đối tượng này.
QUỲNH NHƯ