Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Cắt điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính là không nhân văn

Thứ sáu, 19/06/2020 09:55

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 18-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cắt điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính là không nhân văn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tính toán kỹ, thủ tục không chặt chẽ, đối tượng áp dụng quá rộng không chính xác sẽ dẫn đến khả năng gây ra các thiệt hại của tổ chức, cá nhân lớn hơn nhiều so với yêu cầu bảo đảm thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, việc ngưng cung cấp điện, nước sẽ dẫn đến hư hỏng tài sản máy móc sản phẩm thiết bị của đối tượng bị xử lý, những người liên quan thậm chí cả những người không liên quan ở mức lớn hơn nhiều so với yêu cầu cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cần xác định rõ phạm vi áp dụng biện pháp này chỉ nên áp dụng với các hành vi trong xây dựng, dịch vụ vui chơi giải trí, sản xuất kinh doanh hàng giả hàng cấm và các thủ tục áp dụng biện pháp này.

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, quy định một số biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính bằng hình thức ngừng cung cấp, điện nước, đối với cá nhân vi phạm là chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm theo quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo đại biểu, dịch vụ cung cấp điện nước là sự thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc ngừng cung cấp dịch vụ này phải đảm bảo theo hợp đồng giữa các bên tham gia. Do đó, đại biểu Trần Tất Thế đề nghị không nên hành chính hóa quan hệ dân sự này, điện nước không phải là tang vật, phương tiện sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là công cụ cưỡng chế được.

“Nếu bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước,  tại sao không bổ sung cả hình thức ngừng cung cấp cả dịch vụ viễn thông. Bởi, thời đại 4.0, các dịch vụ viễn thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thiếu dịch vụ viễn thông sẽ làm tê liệt hệ thống", đại biểu nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thể hiện sự bất lực của công tác quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp không có tính nhân văn vì có những người không liên quan đến vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm. "Làm luật phải phù hợp với thực tiễn, nóng 39 - 40 độ C mà cắt điện là không nên. Biện pháp này chỉ nên quy định đối với lĩnh vực xây dựng chứ không nên áp dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh", đại biểu nêu ý kiến.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc bổ sung hình thức xử phạt trên là cần thiết để người dân buộc phải nâng cao ý thức, hạn chế vi phạm. Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) tán thành việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đại biểu, quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.

QUỲNH NHƯ – ĐỖ BÌNH