Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Chính thức mở “cánh cổng lớn” vào EU

Thứ ba, 09/06/2020 07:27

Sáng 8-6, Quốc hội biểu quyết thông qua 3 nghị quyết, mở ra cánh cổng lớn trong hợp tác làm ăn với liên minh châu Âu (EU): Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Tỷ lệ tán thành gần tuyệt đối

Với 94,82% đại biểu tán thành, sáng 8-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Tham dự phiên làm việc có Trưởng Đại diện Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và phối hợp thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội quyết nghị gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (sau đây gọi tắt là Công ước số 105) được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25-6-1957 tại Geneva, Thụy Sĩ. Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

Với 95,45% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD. Việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.

Với 94,62% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại   tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Quốc hội quyết nghị áp dụng toàn bộ nội dung của  Hiệp định.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Báo Nhật lên tiếng

Bình luận về sự kiện trên, một trong những tờ báo rất uy tín - Nikkei Asia Review của Nhật Bản, viết: Quốc hội Việt Nam ngày 8-6 đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng Tám tới, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai có hiệp định thương mại như vậy với EU sau Singapore.

Sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, 71% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và 65% hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế. Các mức thuế còn lại lên tới 99% sẽ được Việt Nam loại bỏ sau 10 năm và EU loại bỏ sau 7 năm. Việt Nam đang được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan của EU. Tuy nhiên, EVFTA chắc chắn sẽ khiến khối này trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam. Đặc biệt, các ngành có thể sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là may mặc và giày dép, vốn chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Những hy vọng đang gia tăng về việc EVFTA sẽ mang lại cú hích rất cần thiết cho Việt Nam - nền kinh tế chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ 7% trước thời điểm xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Không chỉ có Việt Nam, EVFTA là tin tốt cho các công ty đa quốc gia bên ngoài EU.

Cũng theo Nikkei Asia Review, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty may mặc như Fast Retailing - doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và có cơ sở sản xuất tại Việt Nam - và các hãng sản xuất phụ tùng ô-tô, máy móc sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu. Trong khi đó, EVFTA cũng sẽ giúp EU tăng khả năng tiếp cận với một thị trường tiêu dùng hấp dẫn.

Riêng đối với nước Anh, quốc gia đã rút khỏi EU, nước này vẫn sẽ là một phần của EVFTA cho đến cuối năm 2020. Trong một hội nghị trực tuyến, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nói với các công ty Anh tại đây rằng hai nước đang làm việc về một thỏa thuận thương mại song phương và dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.

QUỲNH NHƯ - PHAN PHƯƠNG