Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Ý kiến khác nhau về hộ kinh doanh

Thứ sáu, 22/05/2020 08:56

Ngày 21-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất là việc về đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp này gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp.

2 luồng ý kiến

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày khẳng định, việc xem xét, tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Đối với phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí, loại ý kiến thứ hai phản đối.

Theo loại ý kiến thứ nhất, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Ngoài ra, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai "đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp".

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết, tuy nhiên, khác với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình ủng hộ loại ý kiến thứ nhất là đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật lần này. Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào quy định của Điều 3 dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và viết lại: Trong trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì áp dụng quy định của luật đó.

Ủng hộ không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, bản chất hộ kinh doanh có nhiều khác biệt so với doanh nghiệp vì vậy nên tách thành luật riêng sẽ có các quy định chặt chẽ hơn. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, số hộ kinh doanh gấp 5 đến 6 lần số doanh nghiệp và cách thức hoạt động khác với doanh nghiệp, do đó, không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật mà nên xem xét ban hành luật riêng. "Quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động phạm vi ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ, chưa rõ phương thức quản lý nên có thể gây khó khăn cho quản lý kinh doanh hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay", đại biểu Trần Văn Tiến nhận định.

Dẫn số liệu hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu được cấp mã số thuế, đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, rất cần thiết nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ nghị định lên thành luật để có địa vị pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt, kinh doanh gia đình, quy mô nhỏ, vì vậy nên tách thành luật riêng sẽ có các quy định chặt chẽ hơn.

Nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn?

Đối với quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối của nhà nước, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu ý kiến cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tỷ lệ vốn nhà nước chiếm giữ trên 50% là doanh nghiệp nhà nước. Quy định này chưa thể hiện được vai trò chi phối và quyết định của nhà nước với các vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền hài hòa, đóng góp của các cổ đông khác.

Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng nhà nước nắm giữ 50% vốn là có quyền chi phối nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đảm bảo lợi thế quyết định, đặc biệt là hợp đồng kinh doanh nên tỷ lệ trên 50% là phù hợp. Tuy vậy, để xác định căn cứ, cần tiến hành rà soát số lượng doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên, đánh giá rõ tác động, tiến trình cổ phần hóa, thu hút vốn từ tư nhân...

Theo ý kiến của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), việc sửa đổi về khái niệm doanh nghiệp nhà nước như dự thảo sẽ liên quan đến nhiều luật, nghị quyết của Quốc hội. Do đó việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam. "Tôi đề nghị cần xác định hiện tại số doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên. Có đánh giá tác động cụ thể các đối tượng chịu tác động trực tiếp. Phải đảm bảo nguyên tắc không tác động xấu, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bảo đảm công khai minh bạch, phân biệt rạch ròi quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, không để thất thoát vốn nhà nước, quy định rõ chế tài chức vụ chức danh của cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước", đại biểu đề nghị.

Thể chế hóa đường lối, chính sách về biên giới quốc gia

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch

Ngày 21-5, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Dự án Luật có 7 chương, 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Tình hình hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Do đó, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết. Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia.

Q.N

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Chiều 21-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật gồm 8 chương, 79 điều, giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của Luật hiện hành. Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ; bỏ hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong nguồn hình thành Quỹ.

Dự thảo Luật quy định rõ các nội dung chi từ Quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường và ngành nghề, công việc mới tạo thu nhập cao, ổn định thị trường sẵn có, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức, tác phong, kỷ luật cho người lao động, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, các nội dung chi gồm: Công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ doanh nghiệp mở thị trường mới, ngành nghề mới; xúc tiến, quảng bá về nguồn lao động Việt Nam; xây dựng và duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm ngoài nước trực tuyến cho người lao động có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. “Quỹ do doanh nghiệp, người lao động đóng góp, nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính để phục vụ doanh nghiệp, người lao động”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

TTXVN – QUỲNH NHƯ