Kỷ nguyên du lịch Nam Đàn
+ Kỳ cuối: Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Trong 3 di tích cấp Quốc gia Đặc biệt, Khu di tích Kim Liên đã được đầu tư tôn tạo ngày càng khang trang hơn, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan hàng năm. Mỗi năm, Khu di tích Kim Liên đón hàng triệu khách đến tham quan, để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, du lịch các đơn vị quản lý cũng không ngừng đổi mới hình thức quảng bá, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích lịch Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, hàng năm Khu di dích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hàng triệu khách tham quan, bên cạnh việc đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh cảnh quan, đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi triển lãm để du khách có thêm trải nghiệm. Đồng thời, chúng tôi luôn chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, nhất là đối với đội ngũ hướng dẫn viên. Năm 2023, bên cạnh hướng dẫn viên thuyết minh tiếng Anh, tiếng Pháp, đơn vị đã đào tạo, bồi dưỡng được 7 hướng dẫn viên thuyết minh tiếng Lào phục vụ khách tham quan.
Bên cạnh các địa điểm văn hoá lịch sử, thời gian qua huyện Nam Đàn cũng đã nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đến nay huyện đã hoàn thành 4 mô hình gồm mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm, Homestay Cửa Ông xã Nam Nghĩa; mô hình du lịch sinh thái Thung Pheo xã Nam Anh; mô hình du lịch trải nghiệm vườn hoa của anh Phạm Trung Kiên xã Kim Liên; mô hình du lịch nông thôn trải nghiệm Tâm Thuận xã Nam Cát. Đặc biệt, chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với sản phẩm phục vụ du lịch, đến nay huyện Nam Đàn đã có 57 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
Hợp tác xã Sen Quê Bác là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh việc đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm từ Sen tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao giúp bà con trong vùng có thêm việc làm tăng thu nhập, những cánh đồng sen của hợp tác xã cũng trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch khi về tham quan, du lịch quê Bác.
Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen Quê Bác, Nam Đàn, Nghệ An cho biết, với mong muốn đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách một cách tốt nhất, nhanh nhất, đơn vị đã triển khai nhiều kênh phân phối khác nhau, đồng thời phát triển các sản phẩm cây sen theo định hướng văn hoá gắn liền với du lịch. Với danh thu hơn 10 tỷ/năm, thời gian qua đơn vị đã góp phần giúp người nông dân có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập. "Đến nay, Hợp tác xã Sen Quê Bác đã có 15 sản phẩm về sen như trà củ sen, trà lá sen, tinh bột củ sen… trong đó, 10 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao. Hiện những sản phẩm về sen đã được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến, là món quà đặc trưng của Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung. Hiện chúng tôi cũng đang định hướng phát triển du lịch canh nông, gắn với cây sen, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, địa phương".
Chiến lược dài hơi
Dù có nhiều khởi sắc nhưng nếu nhìn nhận khách quan thì du lịch huyện Nam Đàn vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; các loại hình, sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, thiếu hấp dẫn; hoạt động vui chơi, giải trí gắn với du lịch, cơ sở lưu trú còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mạnh; các hình thức tuyên truyền chưa thực sự phong phú. Tổ chức hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu tính liên kết, du khách lưu trú qua đêm còn ít...
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-11-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Nam Đàn đã chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, do nhận thức của một số ngành, địa phương, của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch chưa tốt. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch. Trong khi đó, vai trò tham mưu của ngành chức năng chưa được phát huy đầy đủ, sự phối hợp giữa các phòng ngành, giữa các ngành với địa phương với các Công ty lữ hành chưa chặt chẽ. Ngoài ra, công tác quy hoạch phát triển du lịch còn hạn chế, chưa mở rộng các loại hình mới có sức hấp dẫn, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để đầu tư phát triển du lịch. Mặt khác, Nam Đàn thuộc vùng phụ cận TP Vinh, gần thị xã Cửa Lò, giao thông thuận tiện nên khách du lịch đến với Nam Đàn chủ yếu là tham quan trong ngày sau đó về nghỉ tại TP Vinh và thị xã Cửa Lò nên việc giữ chân du khách gặp rất nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Vương Hồng Thái cho biết, để du lịch nam Đàn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch từ đó làm thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen, ứng xử từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về du lịch. Thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng du lịch và quy hoạch phát triển du lịch của huyện trên cơ sở gắn kết các vùng, điểm du lịch, tuyến du lịch nội huyện với các địa phương trong tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi đến các điểm du lịch; hạ tầng các điểm du lịch trọng điểm. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Chủ động liên kết, hợp tác du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh gắn vào chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Đồng thời, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch.
Dương Hóa