"Kỳ nhân" vẽ chân dung qua lời kể

Thứ bảy, 02/01/2016 12:12

(Cadn.com.vn) - Người chúng tôi nhắc đến là họa sĩ Võ Tấn Thành- nổi danh khắp đất nước hình chữ S  từ những năm 70 thế kỷ trước với biệt tài vẽ chân dung chỉ qua lời kể.

Khắc tinh tội phạm bằng… cây cọ

Họa sĩ Võ Tấn Thành bắt đầu tái hiện chân dung người khác qua lời kể từ năm 1965 sau khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ thực hành tỉnh Đồng Nai. Được tạo hóa ban cho đôi tay và khối óc khác người, càng vẽ, tài năng của ông càng phát lộ. Trăm người nhờ đến ông đều khẳng định: Ông vẽ chân dung khi nghe ai đó kể thật đến 95, thậm chí 99%. Họa sĩ Thành nhớ lại: "Năm 1999, người dân sống dọc QL51 ai cũng khiếp đảm vì nơi đây liên tục xảy ra 27 vụ cướp, hiếp. Hung thủ thường gây án vào thời gian từ 0 giờ đến 4 giờ sáng mỗi ngày. Sau khi khống chế nạn nhân tại những khu đường vắng, y giở trò đồi bại, cướp tài sản rồi rút êm. Quyết bắt đối tượng, CA tỉnh Đồng Nai đã xác lập chuyên án ĐB99, nhưng nhiều tháng liền việc xác định chân dung kẻ gây án như đi vào đường cụt, bởi hung thủ luôn "xuất quỷ nhập thần". Chỉ đến khi họa sĩ Thành xuất hiện theo lời mời cộng tác của Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc CA tỉnh (nay là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm (Bộ CA), kẻ thủ ác mới dần lộ diện. Nhận lời mời, ngày lại ngày họa sĩ theo sát điều tra viên, tìm gặp từng nạn nhân, nhân chứng của 27 vụ án. Dù mỗi người tả một kiểu, nhưng bằng phương pháp vẽ căn bản, sau hơn 10 lần bổ sung, chỉnh sửa, chân dung "yêu râu xanh" háo sắc có chiều cao hơn 1m60, tóc dài chấm vai, mặt gầy lộ hai gò má cao… dần hiện nguyên hình. Khi vẽ xong, ai cũng nhận xét giống đến gần 90%. Lực lượng CA đã bắt được đối tượng trong tranh họa là Phó Văn Chính, cư trú tại xã Mỹ Xuân, H. Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu về quy án cuối tháng 9-1999".

Trong Chuyên án CS-501 Bộ CA xác lập để truy tìm tung tích thủ phạm của băng cướp có súng rúng động vùng Đông Nam Bộ năm 2001 cũng có công lớn của họa sĩ Thành. Nhận nhiệm vụ, ông đã tìm đến các nạn nhân và trinh sát từng chạm trán tên cướp để nghe kể lại từng chi tiết nhỏ về khuôn mặt, mái tóc, lông mày… Miệt mài hơn nửa tháng gần như không ngủ, bức họa chân dung nhanh chóng được hoàn thành, giúp Ban chuyên án bắt giữ kẻ gây án Nguyễn Chí Dũng (trú P. 17, Q. Gò Vấp, TP HCM) ngày 15-10-2001.

Kỳ tài! Kỳ tài! Từ khi vẽ chân dung qua lời kể, họa sĩ Thành đã giúp CA phá hơn 50 vụ án, chuyên án lớn nhỏ. Từ năm 1999 đến nay, ông trở thành cộng tác viên đắc lực của lực lượng CA. Nhiều người thân gọi ông là "CA không quân hàm, không cảnh phục"…

Hoạ sĩ Thành tái hiện lại chân dung liệt sĩ Dự ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

Tái hiện chân dung anh hùng, liệt sĩ

Vợ họa sĩ Thành - bà Nguyễn Năm bộc bạch: "Tôi rất tự hào về người chồng được tạo hóa ban cho "bàn tay vàng" để giúp ích cho đời. Không chỉ giúp CA phá án, biết bao gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng (MVNAH) có người thân qua đời không di ảnh cũng được ông ấy mang lại cho niềm vui vô tận. Ngày đến diện kiến ông, tôi may mắn gặp được anh Nguyễn Tiều - người lặn lội từ Duy Vinh, Duy Xuyên (Quảng Nam) vào nhờ ông vẽ chân dung cha mình là ông Nguyễn Dự, hy sinh năm 1953 khi đánh Pháp ở Cửa Đại, TP Hội An. Sau gần nửa tháng chỉnh sửa theo lời kể của người thân liệt sĩ Dự, họa sĩ Thành đã hoàn thành bức chân dung mà theo nhận định của mọi người giống đến 95%. "Cha tôi mất đi không để lại một tấm hình nào. Tôi nghe người quen ở TPHCM xem tivi nói về họa sĩ Thành, tôi đã tìm đến ngay. Nay thì thành công rồi, gia đình có di ảnh thờ ông rồi, hạnh phúc lắm"- anh Tiều xúc động.

Với họa sĩ Thành, có lẽ đáng nhớ nhất là kỷ niệm ông phác họa chân dung người anh hùng Điểu Cải dân tộc Chơ Ro (nay đặt tên cho mái trường - Trường PTTH Điểu Cải), xã Túc Trưng, H. Định Quán, tỉnh Đồng Nai cách đây nửa năm. Anh hùng Điểu Cải hy sinh năm 1969 sau khi bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, nhưng không để lại tấm hình nào. Sẽ rất thiếu sót nếu hình ảnh người anh hùng tiêu biểu một thời không được phục dựng. Và họa sĩ Thành khi được giao trọng trách đã hoàn thành sứ mệnh với mức giống tới 98% theo nhận xét thẩm định của hội đồng và các cụ bô lão sinh cùng thời với anh hùng Điểu Cải.

Đầu năm 2015, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các MVNAH. Trong số 500 Mẹ, có rất nhiều Mẹ không có di ảnh đã được họa sĩ Tấn Thành phục dựng thành công chân dung. Hôm ông đến dự lễ với tư cách khách mời, bao người đã ôm lấy ông khóc nức nở vì xúc động, vì ông đã đưa các Mẹ trở về với con, với cháu. Theo họa sĩ, cái khó nhất về ký họa chân dung các Mẹ chính là thần thái và ánh mắt. Mỗi mẹ đều có một dáng vẻ riêng, nhưng ánh mắt đều chứa đựng sự hồn hậu, chất phác, cam chịu của người phụ nữ Việt Nam, nên tái hiện chân dung các Mẹ cần sự tập trung rất cao độ.

Đến nay, họa sĩ Thành không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung, mà chỉ nhớ, mỗi bức họa đều mang một ý nghĩa nhất định cho đời. Và đó là cách một người được sống giữa hòa bình hôm nay như ông đang trả ơn đời, đáp nghĩa những người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Với ông, hội họa là niềm đam mê, và niềm đam mê đó càng có ý nghĩa hơn khi phục vụ cho cuộc sống của nhân dân.

Công Hạnh

Ghi nhận thành tích của ông, năm 2007, Bộ CA đã trao tặng ông Kỷ niệm chương "Bảo vệ ANTQ". Năm 2007, 2008, ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo, cùng hàng chục giải thưởng cao quý khác T.Ư và địa phương trao tặng vì thành tích vẽ gần 500 bức tranh chân dung liệt sĩ, MVNAH không có di ảnh giúp các địa phương cả nước.