Kỷ niệm 10 năm thành lập Cơ sở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại miền Trung (2006-2016): "Lối đi ngay dưới chân mình"
(Cadn.com.vn) - Chặng đường 10 năm (2006-2016), trong lúc không ít trường ĐH, CĐ phải loay hoay với xu thế hội nhập mới, Cơ sở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại miền Trung (Cơ sở miền Trung) lại vững vàng tạo dựng hướng đi riêng, trở thành "địa chỉ đỏ" đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn nhân lực ngành Nội vụ cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
ThS. Trần Đình Thảo - Giám đốc Cơ sở Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại miền Trung |
Trái ngọt đầu mùa
Được thành lập theo Quyết định số 493/QĐ-BNV ngày 31-5-2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trên cơ sở nâng cấp Cơ sở Trường Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương I tại TP Đà Nẵng (thành lập theo Quyết định số 986/QĐ-BNV ngày 30-6-2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Cơ sở miền Trung có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, cũng như hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính chặng đường 10 năm ấy - khoảng thời gian không dài đối với một cơ sở của một trường ĐH lại là chứng nhân cho một kỳ tích đáng tự hào trong xây dựng thương hiệu đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực ngành Nội vụ.
Khởi đầu chỉ với 3 con người, đến nay, Cơ sở miền Trung đã có 86 giảng viên, viên chức, người lao động; trong đó, có 4 tiến sĩ, 38 thạc sĩ và nhiều cán bộ đang nghiên cứu sinh đang công tác trong tổ chức bộ máy vững mạnh gồm tập thể Ban giám đốc và 6 Phòng, đơn vị chức năng khác. Đặc biệt, cơ sở cũng đã hình thành tổ chức Chi bộ với 36 đảng viên và tổ chức Công đoàn với 79 thành viên, cùng hàng chục Chi đoàn, CLB với hơn 1.000 thành viên tham gia sinh hoạt. Nếu như năm học đầu tiên (2006-2007), cơ sở chỉ mới được Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giao 63 chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học ngành Quản trị Văn phòng thì sau 10 năm (năm học 2016-2017), con số ấy đã là 1.500 sinh viên chính quy và hơn 600 học viên vừa làm vừa học ở 7 ngành: Quản trị nhân lực, Quản lý nhà nước, Quản lý văn hóa, Quản trị văn phòng, Lưu trữ học, Khoa học thư viện, Luật.
Tính đến nay, cơ sở miền Trung đào tạo 3.377 sinh viên, học viên bậc trung cấp, CĐ, ĐH và 3.506 học viên học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Đáng mừng nhất, trong lúc rất nhiều sinh viên ở các trường ĐH, CĐ cả nước ra trường phải thất nghiệp thì hầu hết sinh viên được đào tạo tại Cơ sở miền Trung tốt nghiệp ra trường đều có công việc làm ổn định và được các tổ chức kinh tế - xã hội đánh giá cao về nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức, tác phong, tính kỷ luật và có kỹ năng làm việc. Nhiều sinh viên ở cơ sở còn được tín nhiệm, đề bạt giữ chức vụ trưởng, phó trưởng phòng…
Hầu hết sinh viên Cơ sở Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại miền Trung tốt nghiệp đều có việc làm ổn định. |
Hướng đi bền vững
Những trái ngọt đầu mùa ấy là nhờ cả chặng đường tận tâm phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của tập thể thầy và trò Cơ sở miền Trung nhằm phát huy nội lực để xây dựng, phát triển và trưởng thành, phục vụ tốt nhu cầu học tập đa dạng với nhiều hình thức đào tạo, đa ngành, đa cấp độ. Đó cũng là nền tảng để cơ sở tiếp tục định vị hướng đi riêng, thương hiệu riêng và là mũi nhọn đột phá đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực ngành Nội vụ cho cả khu vực. Trọng tâm là hình thành chiến lược đào tạo theo sát nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường thông qua việc chủ động liên kết, hợp tác toàn diện với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cho sinh viên thực tiễn kiến tập, thực hành đảm bảo đủ kiến thức, kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu công tác ngay sau khi ra trường. Chuẩn bị cho mục tiêu này, những năm qua, Cơ sở miền Trung đã "đi tắt đón đầu" đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ trên diện tích 11ha, gồm 1 nhà hiệu bộ, 2 nhà lớp học 20 phòng, 1 hội trường 800 chỗ ngồi, 1 ký túc xá cho hơn 400 sinh viên… tại phường Điện Ngọc (TX Điện Bàn, Quảng Nam). Nguồn nội lực căn cơ ở một môi trường giáo dục chuyên nghiệp đó đã tạo sức hút lan tỏa mạnh mẽ đối với người học.
Không riêng cơ sở hạ tầng, công tác nghiên cứu khoa học cũng được cơ sở đặc biệt chú trọng. Giảng viên, viên chức của cơ sở luôn tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên rất phát triển. Nhiều đề tài không chỉ của giảng viên, viên chức mà của sinh viên đã được Hội đồng nghiên cứu khoa học Nhà trường đánh giá cao về tính khả thi, ứng dụng. Cơ sở đã đầu tư xây dựng 1 nhà thư viện 3 tầng, diện tích 1.660m² với hơn 45.000 đầu sách để phục vụ bạn đọc. Ngoài ra, cơ sở đang xúc tiến việc xây dựng thư viện điện tử nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tra cứu thông tin của đội ngũ giảng viên và sinh viên. Các hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên đã thu được rất nhiều kết quả tốt đẹp như: Xây dựng 2 nhà tình nghĩa; nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức chương trình "Nồi cháo tình thương" tại các bệnh viện, bán dưa hấu giúp bà con nông dân miền Trung trong đợt lũ lớn...
Với những thành tích đạt được, ngay tại Lễ kỷ niệm hôm nay (26-12), Cơ sở miền Trung vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra, cơ sở cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích công tác từ năm 2006-2010 góp phần xây dựng CNXH và BVTQ; Cờ thi đua và Bằng khen Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2014, 2015; Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vì đã có thành tích thực hiện dự án xây dựng Cơ sở miền Trung, góp phần phát triển KT-XH tỉnh Quảng Nam cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Những thành tích mà cơ sở đạt được trong 10 năm qua là rất đáng tự hào, song mỗi thành viên trong cơ sở hôm nay và mai sau không được phép bằng lòng mà còn phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn để đưa cơ sở ngày càng phát triển, nỗ lực hết sức thực hiện sứ mệnh được giao.
10 năm - một chặng đường - một sự khẳng định - đó là điểm tựa vững chắc, là nội lực quý báu để Cơ sở miền Trung bước đi trong 20 năm, 50 năm và xa hơn nữa.
Ths Trần Đình Thảo