Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 – 28-6-2021): Gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển
Từ năm 2001, ngày 28-6 hằng năm gắn liền với cái tên thân thương “Ngày Gia đình Việt Nam” để nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp của mỗi gia đình người Việt. Hằng năm, thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) luôn có từ 88 - 92% số hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”...
Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Trà Văn Sinh vẫn thích lao động, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. |
Ông Trà Văn Sinh (87 tuổi, thôn La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) có 5 người con và 10 cháu nội, ngoại (trong đó 5 cháu đã tốt nghiệp đại học). Gia đình ông là một trong những điển hình của phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Đối với vợ chồng ông, việc giữ gìn và phát huy truyền thống luôn là việc làm cần thiết để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Vì vậy, ông tâm niệm phải thường xuyên rèn luyện bản thân cần cù, lao động sáng tạo và giáo dục con cháu không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống. Nhờ hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên nên không khí gia đình ông luôn vui vẻ, đầy ắp tiếng cười.
Nói về “bí quyết” xây dựng gia đình hạnh phúc, ông Sinh cho biết, để gia đình trên thuận dưới hòa, các thành viên cần tôn trọng nhau, biết nhường nhịn và giữ hòa khí. Ông thường căn dặn các con, vợ chồng phải biết lắng nghe, hỗ trợ khi cần thiết, nhất là cha mẹ cần gương mẫu để cho các con học tập, noi theo. Các thành viên trong gia đình cần phải quan tâm, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc, không vi phạm pháp luật và trở thành người có ích cho xã hội.
Còn theo cụ Nguyễn Viết Công (90 tuổi, thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang), mỗi người luôn có một nơi để về - đó là nhà; có những người để yêu thương - đó là gia đình. Gia đình hạnh phúc luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để mỗi người vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống. Trong gia đình thì “dưới nhìn lên, trên nhìn xuống”, con cháu phải biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em như chân với tay… “Văn hóa ứng xử trong gia đình là giá trị truyền thống luôn được đề cao trong mỗi gia đình người Việt. Nếu mỗi người được chuẩn bị, dạy dỗ chu đáo về ứng xử văn hóa trong gia đình sẽ là những tiền đề cơ bản để xây dựng lối sống chuẩn mực, tiếp tục ứng xử văn hóa trong xã hội”, cụ Công đúc kết.
Song hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự giao lưu và hội nhập đa dạng, giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử và tình cảm gia đình đứng trước nhiều thách thức, làm biến đổi những giá trị văn hóa chuẩn mực theo hướng tiêu cực. Vợ chồng không tôn trọng nhau; cha mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái; anh em tranh giành lợi ích mà từ mặt, quay lưng làm cho gia đình không còn là mái ấm hạnh phúc của mỗi người. Vì vậy, văn hóa ứng xử gia đình cần được hình thành, xây dựng theo những tiêu chí chung từ sự tôn trọng, yêu thương, sẻ chia và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình… “Ðể gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người và là “tế bào” lành mạnh của xã hội, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và xây dựng nếp sống văn hóa gia đình. Đây là một quá trình lâu dài, xuất phát từ nhận thức cá nhân cũng như cần sự quan tâm, khích lệ của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể để hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội; góp phần phát triển địa phương một cách toàn diện và bền vững”, ông Sinh cho biết thêm.
VY HẬU