Kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3-1975- 10-3-2008): Buôn Ma Thuột – thành phố anh hùng

Thứ hai, 10/03/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày này tháng này của 33 năm trước, Cờ đỏ Sao vàng bay rợp thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn: Buôn Ma Thuột giải phóng. Chiến thắng Buôn Ma Thuột khởi đầu cho hàng loạt chiến thắng liên tiếp ở Tây Nguyên, Pleiku, Kon Tum, và tiếp đó là Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...

 33 năm tiếp theo, xứ sở được chọn làm nơi mở màn cho chiến dịch mang tầm lịch sử- Tây Nguyên-  vẫn chứng tỏ vai trò động lực, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên. Với những định hướng đúng, chính sách phù hợp và cách làm năng động, sáng tạo, cán bộ và nhân dân Đắc Lắc nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng không ngừng nỗ lực bồi đắp, xây dựng TP anh hùng năm xưa thành đô thị tiêu biểu của thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa...

Hào hùng và oanh liệt

Buôn Ma Thuột thành lập ngày 22-11-1904, trải qua lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, quân và dân các dân tộc trên đô thị cao nguyên này đã đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Nhưng điều cốt lõi, điều đã làm nên truyền thống của thành phố anh hùng này chính là tinh thần quật khởi chống giặc ngoại xâm, là tấm lòng yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết keo sơn của các dân tộc anh em. Chính những truyền thống tốt đẹp đó đã tạo sức mạnh để quân và dân Buôn Ma Thuột chung sức cùng cả nước làm nên một “Chiến thắng Buôn Ma Thuột” - mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Với cựu chiến binh Lê Minh Toản, nguyên Tham mưu trưởng Tỉnh đội Đắc Lắc từ năm 1972 đến 1976 thì Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã để lại trong cuộc đời binh nghiệp của ông những dấu ấn khó phai mờ. Trong căn phòng nhỏ của mình trên phố Lê Hồng Phong (TP Buôn Ma Thuột), vị đại tá già kể cho chúng tôi nghe về những thời điểm mà sau này được ghi vào sử sách. Vào thời điểm đầu tháng 3 năm 1975, chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, ông chính là người lập phương án chiến đấu cho LLVT Đắc Lắc để phối hợp với các mũi tiến công của quân đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột.

Và trong cuộc tiến công ấy, ông đã trực tiếp chỉ huy đơn vị nổ súng tiêu diệt địch ở vùng ven thị xã, trước khi bộ đội chủ lực tiến công các mục tiêu chủ yếu của địch trong nội thị. 5 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và tấm bằng khen thành tích xuất sắc trong cuộc tiến công Buôn Ma Thuột ông treo trang trọng trên tường phần nào nói nên những đóng góp của cá nhân ông trong giải phóng Buôn Ma Thuột. Mặc dù địch khá bất ngờ trước lối đánh nghi binh của ta ở Bắc Tây Nguyên, nhưng cuộc tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột vẫn diễn ra hết sức cam go, ác liệt tại Ngã Sáu, Tiểu khu Đắc Lắc, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và trung đoàn 53 ngụy. Cuộc tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột bắt đầu từ 16 giờ ngày 9-3, và kết thúc thắng lợi vào 11 giờ ngày 11-3, khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên cột cờ sư đoàn bộ 23 ngụy- Buôn Ma Thuột được giải phóng.

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tạo Buôn Ma Thuột
sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm

Là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, từ khi còn là chàng trai 16 tuổi, nay bước sang tuổi 74, vị đại tá già Lê Minh Toản cũng như nhiều cựu chiến binh hiện còn sinh sống trên thành phố cao nguyên này vẫn nhắc nhở nhau dành những tình cảm hết sức đặc biệt cho đồng đội, cho những người đã ngã xuống. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông dành một căn phòng nhỏ, trong đó lập ba bàn thờ, một cho Bác Hồ, một cho tổ tiên ông bà, bàn thờ còn lại ông tưởng nhớ tới hơn 4 nghìn liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Đắc Lắc, trong số đó còn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Bây giờ tuổi đã cao, sức yếu, vết thương hay tái phát nhưng hễ có người thân của đồng đội cũ trở lại chiến trường Đắc Lắc tìm mộ liệt sĩ là ông Toản và anh em trong cựu chiến binh lại khăn gói lên đường, kết quả đã có hơn 100 hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang.

Ngay sau những ngày giải phóng, nhân dân các dân tộc TX Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắc Lắc nói chung vừa tiến hành xây dựng cuộc sống mới, vừa phải đấu tranh truy quét bọn phản động Fulro, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bảo vệ nhân dân. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 6-11-1978, LLVT TX Buôn Ma Thuột được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến thắng đói nghèo và lạc hậu

Sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột có dân số hơn 120 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 53 nghìn người, sinh sống ở 7 phường nội thị và 12 xã vùng ven. Do phải dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên có thể nói cuộc sống của nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột trong những năm đầu mới giải phóng là vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cả TX Buôn Ma Thuột thời điểm sau giải phóng có tới 60 nghìn người thiếu đói, 40 nghìn người thất nghiệp. Trong khi đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ, quân và dân Buôn Ma Thuột còn phải tập trung sức đấu tranh trong thời gian dài nhằm truy quét, cảm hóa bọn phản động Fulro.

Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, Huỳnh Ngọc Luân sơ lược: “Trước giải phóng, Buôn Ma Thuột tuy là thị xã nhưng về kinh tế hầu như không có gì ngoài một vài đồn điền cao su, cà- phê với quy mô nhỏ. Thương mại dịch vụ chưa phát triển. Đời sống nhân dân rất cùng cực, thiếu đói, bệnh tật, thất học. Cơ sở hạ tầng rất thấp kém, có một vài công trình nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ chiến tranh.

Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột. 

Trong những năm đầu giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Đắc Lắc và trực tiếp là Thị ủy Buôn Ma Thuột, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã đã tập trung sức giải quyết hậu quả chiến tranh và xóa bỏ tàn dư của chế độ cũ; chăm lo xây dựng cuộc sống mới, trong đó tiến hành khẩn trương việc định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các buôn Kbu, Buôr, Chư Lui (xã Hòa Xuân), buôn Kô Tam, Chu Káp, Chư Ta (xã Ea Tu), mở 6 công trường khai hoang với 17 nghìn người tham gia nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực. Từ một thị xã nông nghiệp, trình độ dân trí thấp kém, tập quán sản xuất, kinh doanh lạc hậu nhưng Buôn Ma Thuột đã mau chóng phát triển, trở thành đô thị sầm uất vào loại bậc nhất ở Tây Nguyên thời kỳ đổi mới...”.

Bây giờ lên Buôn Ma Thuột, những dấu tích đổ nát, hoang tàn của chiến trường xưa không còn nữa. Thay vào đó là những công xưởng, những nhà máy, những khu phố mới khang trang. Nơi Sư đoàn bộ 23 ngụy đặt đại bản doanh, nay đã sừng sững một doanh trại quân đội của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc chính quy, và có môi trường văn hóa tiêu biểu của Quân khu 5. Vị trí tổng kho Mai Hắc Đế nay đã mọc lên những khu phố mới, những “làng quân nhân” văn hóa của P. Tân Thành. Sân bay Hòa Bình đã trở thành cảng hàng không Buôn Ma Thuột có quy mô lớn nhất Tây Nguyên có thể tiếp nhận máy bay AIRBUS A320. Sân bay thị xã - nơi bộ đội đặc công 198 bí mật tiến công sáng sớm 10-3-1975 nay được quy hoạch và xây dựng các cơ quan Nhà nước và Quảng trường thành phố. Ngã Sáu-địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công bắn cháy xe tăng địch trong ngày 10-3-1975 của bộ đội Trung đoàn 95B, nay sừng sững, uy nghi tượng đài “Chiến thắng Buôn Ma Thuột!”... Chiến công đã kế tiếp những chiến công.

Những năm gần đây, kinh tế Buôn Ma Thuột đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Từ nền kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc là chính, đến hết năm 2007, tốc độ tăng trưởng của TP Buôn Ma Thuột là 18,13%, trong đó cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh thương mại-dịch vụ và công nghiệp-xây dựng nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị thời kỳ CNH-HĐH: Tỷ trọng thương mại-dịch vụ chiếm 48,98%; công nghiệp-xây dựng 37,2%; nông-lâm nghiệp giảm xuống còn 13,9%. Thu ngân sách năm 2007 của Buôn Ma Thuột đạt 531,097 tỷ đồng, tăng 34,58% so với năm 2006. Thu nhập bình quân đầu người hơn 12 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2007 giảm 2,3% so với đầu năm. Buôn Ma Thuột thực sự trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của Đắc Lắc, và cũng là đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Tây Nguyên.

Trung tâm TP Buôn Ma Thuột . 

Hiện nay, Buôn Ma Thuột có 33 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 100% thôn buôn có điện sinh hoạt, hệ thống đường giao thông được đầu tư nhựa hóa và bê- tông hóa; toàn TP có 120 trường học, trong đó có trường đại học của cả vùng Tây Nguyên; năm 2005 Buôn Ma Thuột hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Trong phát triển công nghiệp, Buôn Ma Thuột đã hình thành các khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn như Khu công nghiệp Hòa Phú rộng 181ha, cụm tiểu thủ công nghiệp rộng 48,5ha hiện có tỷ lệ lấp đầy 100%, và nay tiếp tục quy hoạch các cụm công nghiệp Tân An và Thành Nhất, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của thành phố chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Đắc Lắc...

Là TP trẻ - đô thị loại II, còn nhiều tiềm năng và thế mạnh, nhất là thế mạnh cho mở mang dịch vụ, thương mại và du lịch; với dân số 322 nghìn người, diện tích tự nhiên rộng hơn 37 nghìn ha, Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột xác định, trong những năm tới cần phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch chỉnh trang đô thị, chăm lo tốt cho công tác giáo dục và đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề cao, có sức khỏe bảo đảm đáp ứng thời kỳ phát triển mới. Trong định hướng phát triển, TP Buôn Ma Thuột phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị loại I, thực sự xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên.

Hồng Linh