KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG KHÂM ĐỨC - NGOK TA VAT (12-5): TỪ TRONG KHÓI LỬA ĐI LÊN

Thứ năm, 09/05/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Cách đây 45 năm, ngày 12-5-1968, quân và dân Quảng Nam đã đập tan cứ điểm chiến lược Khâm Đức – Ngok-ta-vat, giải phóng hoàn toàn huyện Phước Sơn, mở rộng vùng giải phóng ở phía Tây Quảng Nam; thông thương con đường Trường Sơn, góp phần chi viện cho chiến trường, giải phóng phóng miền Nam. Trước sự kiện trên, hôm nay (10-5), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khâm Đức – Ngok-ta-vat và 65 năm ngày thành lập huyện . (112-10-1948  -12-10-2013)

Từ cụm cứ điểm chiến lược

Từ đầu những năm 1960, chính quyền Mỹ ngụy đã xây dựng cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát nhằm đào tạo biệt kích, chuyển quân và hàng hóa vào Vùng 2 chiến thuật và Tây Nguyên, khống chế địa bàn vùng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, Bắc Tây nguyên và Hạ Lào; đồng thời âm mưu cắt đứt con đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Cứ điểm này được xây dựng thành 3 phân khu chính: khu trung tâm, khu cư trú của lực lượng liên quân và khu sân bay trực thăng dã chiến (sân bay Khâm Đức được đầu tư xây dựng từ 1961 -1963). Cụm cứ điểm nằm trong khu vực rộng khoảng 500ha, dài hơn 3km, rộng hơn 1,5km, cách TP Đà Nẵng 135km về hướng tây nam, cách Tam Kỳ 120km về hướng tây bắc. Có đường QL14B từ Hòa Cầm lên Đại Lộc, Thượng Đức, Nam Giang, ngược dòng Đăk Mi đến ngã ba Làng Hồi, băng qua thung lũng Khâm Đức, lên Tây Nguyên rồi nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khi chiến tranh lan rộng và gia tăng cường độ, chính quyền Sài Gòn cho thành lập Chi khu quân sự Khâm Đức và bố trí lực lượng trấn giữ hơn 1.400 quân, gồm: Toán A-105 lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, 7 đại đội Biệt kích Lôi Hổ (lực lượng đặc biệt Việt Nam) cùng nhiều đơn vị quân chủ lực và địa phương, có cả công binh, pháo binh, do các cố vấn Mỹ và Úc chỉ huy.

Tháng 5-1968, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Khâm Đức, giải phóng Phước Sơn, dự kiến kéo dài 3 tháng, chiến dịch mở màn ngày 9-5 bằng trận đánh cứ điểm Ngok-ta-vat, bước hai đánh bóc vỏ các cứ điểm ngoại vị, cô lập sân bay Khâm Đức và bước ba tiêu diệt từng cứ điểm ở trung tâm. Theo đó, chiều 9-5-1968, các mũi, các hướng của quân ta đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt cứ điểm Ngok-Ta-Vát. Chiến trận diễn ra vô cùng khốc liệt, địch tăng viện binh và dùng máy bay, pháo binh đánh trả quyết liệt vào trận địa quân ta. Song, trước sức tiến công dũng mãnh của quân giải phóng, chiều 10-5-1968 Ngok-Ta-Vát đã bị quân ta tiêu diệt gọn.

Các cựu binh năm xưa thăm lại cứ điểm Khâm Đức. 

Sau khi Ngok-Ta-Vát bị tiêu diệt, địch ở Khâm Đức bị bao vây. Thừa thắng xông lên, Trung đoàn 1 tiếp tục chuyển về hướng tây nam Khâm Đức, phối hợp với Trung đoàn 21, Đại đội Đặc công Sư đoàn, cùng lực lượng vũ trang huyện tiến công chi khu quân sự, Trại Lực lượng đặc biệt và sân bay Khâm Đức. Ngày 11-5, quân ta tiếp tục nã pháo dữ dội vào sân bay và đánh chiếm các mục tiêu trận địa khu trung tâm. Đến 6 giờ sáng ngày 12-5, cụm cứ điểm Khâm Đức bị quân ta đã siết chặt không còn lối thoát.

Lúc này tinh thần binh sĩ Mỹ ngụy hoang mang tột độ. Nhiều phi cơ của địch đáp xuống để thực hiện các đợt di tản nhưng đều bị trận địa phòng không của ta pháo kích dữ dội, đánh bật. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ (MACV), cuộc di tản chưa kịp hoàn tất thì Khâm Đức đã tràn ngập quân Giải phóng, buộc phản lực cơ phải oanh kích vào phi đạo để phá hủy các khí tài, quân trang, quân dụng còn bỏ lại. Và chỉ hơn 500 trong tổng số 1.400 quân Đồng minh (gồm Mỹ, Úc và Việt Nam Cộng hòa) được cứu thoát…

Trong 4 ngày tấn công quyết liệt, ta đã hoàn toàn chiếm được cứ điểm Khâm Đức, giải phóng huyện Phước Sơn. Chiến thắng Khâm Đức - Ngok-Ta-Vát ngày 12-5-1968 là chiến thắng lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ. Chiến thắng này đã khai thông hành lang chiến lược đông và tây Trường Sơn, mở toang “cánh cửa thép” vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, nối hậu phương lớn miền Bắc với khu 4, khu 5, Tây Nguyên, Hạ Lào và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, khai thông tuyến đường QL14 kết nối với con đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam. Chiến thắng làm nức lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ toàn huyện, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, bảo vệ vững chắc vùng hậu cứ cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975.

Theo báo cáo từ phía Mỹ về tổn thất trong cụm cứ điểm quân sự Khâm Đức ngày, phía Đồng minh có 259 dân sự chiến đấu (Biệt kích Lôi Hổ) tử trận, hơn 100 người chết trong chiếc phi cơ C-130 bị bắn rơi, 25 quân nhân Hoa Kỳ và hơn 100 quân nhân thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 (Quân lực Việt Nam Cộng hòa) tử trận và hàng trăm quân nhân Mỹ ngụy mất tích; 8 máy bay và trực thăng bị bắn rơi.

đến Phước Sơn hôm nay

 45 năm sau chiến thắng Khâm Đức, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn đã phát huy truyền thống cách mạng năm xưa tiếp tục chung sức, chung lòng cùng với nhân dân và đội ngũ cán bộ trẻ được tăng cường về Phước Sơn làm nhiệm vụ kiến thiết, xây dựng lại mảnh đất đã chịu nhiều hy sinh, mất mát và sự tàn phá của chiến tranh. Với xuất phát điểm thấp, mọi yếu tố cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho công cuộc xây dựng phát triển Phước Sơn gần như bằng không, tư liệu sản xuất lạc hậu… Nhưng bằng tinh thần đồng tâm, hiệp lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Phước Sơn đã xây dựng quê hương giàu đẹp, những đồn bót, chiến hào, sân bay, hố bom, bãi đạn ngày xưa dần thay da đổi thịt. Cơ sở vật chất, hạ tầng ngày càng được cải thiện, phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển đời sống, kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt, ngay trên chiến trường xưa, thị trấn Khâm Đức như một viên ngọc lung linh giữa núi rừng, là một trong những huyện lỵ đẹp và phát triển bậc nhất trong số các huyện lỵ miền núi khu vực miền Trung, một điểm dừng chân lý tưởng bên đường Hồ Chí Minh. Theo định hướng, chính quyền địa phương lãnh đạo huyện đã và đang chú trọng ưu tiên tạo các điều kiện thuận lợi để thị trấn Khâm Đức phát triển xứng tầm với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Phước Sơn, phấn đấu đưa thị trấn Khâm Đức trở thành đô thị loại 4 vào năm 2015.

Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho biết: Thời gian qua, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, chính sách ưu đãi đặc thù, Phước Sơn đã tập trung chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương. Những năm gần đây, Phước Sơn luôn là một trong 5 địa phương tự cân đối được nguồn ngân sách và hoàn thành tốt chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao. Dẫu vậy, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn cao với khoảng 59,43%, nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao ở mức 70 - 80%… chính là những trở ngại, thách thức đối với định hướng phát triển của huyện nhà trong thời gian đến.

Để tiếp tục đưa Phước Sơn ngày càng đi lên, chính quyền huyện cần tục tranh thủ hơn nữa các nguồn lực sẵn có, các nguồn vốn hỗ trợ để chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho đồng bào các xã vùng cao, xây dựng Phước Sơn trở thành một địa phương miền núi phát triển giàu đẹp…

Bão Bình