Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2021): Trọn lời thề giữ biển
60 năm trước, khi đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ 2, Bác Hồ từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy của Bác như “ngọn hải đăng soi đường chỉ lối” để cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân nói chung, CBCS Vùng 3 Hải quân nói riêng luôn khắc ghi, trọn lời thề giữ biển.
CBCS Vùng 3 Hải quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền
Tư lệnh Vùng 3 Hải quân- Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng rất sẵn lòng khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu, viết những mẩu chuyện về Lữ đoàn 172 và Lữ đoàn 161 (Vùng 3 Hải quân) nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên Quân cảng Đà Nẵng, Tư lệnh Phạm Văn Hùng chia sẻ về “bí quyết” quản lý, điều hành đơn vị của mình. Như lời Tư lệnh thì bài học kinh nghiệm quý báu nhất lực lượng rút ra được là mỗi chiến sĩ vùng 3 Hải quân luôn nhận thức rõ trách nhiệm thiêng liêng khi làm nhiệm vụ canh giữ biển trời, thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tư lệnh mời chúng tôi “mục sở thị” không khí luyện tập khoa mục rất khẩn trương của cán bộ, thủy thủ bên chân sóng chiều cuối năm. Ở đó, Đại tá Đỗ Ngọc Hiểu, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 đang chỉ huy công tác huấn luyện. Khẩu lệnh từ các vị trí báo cáo, xen lẫn tiếng máy, tín hiệu và tiếng còi tàu làm không khí huấn luyện càng thêm sôi động. CBCS các vị trí, bộ phận phối hợp thuần thục, nhuần nhuyễn, chính xác. Bởi, mỗi khi tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phải đáp ứng yêu cầu cao, tối ưu nhất với nhiều phương án. Có như vậy, những chuyến ra khơi mới an toàn.
“Trước đây, Lữ đoàn 172 chỉ đặt vấn đề gắn chất lượng huấn luyện với trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy, nhưng nay thực hiện gắn chất lượng huấn luyện với trách nhiệm của từng cá nhân. Cách làm như vậy không những giúp bộ đội tránh chủ quan mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huấn luyện”, Đại tá Hiểu trao đổi. Cũng theo Đại tá Hiểu, Lữ đoàn nhiều năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị huấn luyện giỏi cấp Bộ Quốc phòng và danh hiệu “Đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân”.
Mệnh lệnh trái tim
Tại Lữ đoàn 161, chúng tôi ấn tượng với những thành quả gặt hái được của đơn vị này liên quan đến nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tham gia cứu hộ cứu nạn của các biên đội tàu. Theo Đại tá Ngô Văn Tuyền, Lữ đoàn trưởng, dù mỗi lần ra khơi thực hiện nhiệm vụ, giữa sóng to, gió lớn, các tàu phải hoạt động liên tục, còn thủy thủ phần lớn chỉ dùng bánh mì, lương khô trong khi phải chịu đựng sóng to, gió lớn, nhưng không ai rời vị trí. Ai cũng hiểu rõ, sự sống còn của ngư dân là trên hết và cứu dân là mệnh lệnh trái tim. Thiếu tá Trần Hậu Tình, Thuyền trưởng Tàu 628 nhớ lại một câu chuyện: Đêm 5-1-2021, tàu đang làm nhiệm vụ trên biển thì nhận được lệnh cơ động đến vùng biển Hoàng Sa (cách đảo Tri Tôn 15 hải lý về phía Tây Nam) cứu nạn tàu cá QNg 91756 TS do ông Dương Văn Châu (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên. Dù đêm tối, gió lớn, nhưng CBCS tàu 628 đã quyết tâm tổ chức cơ động tàu nhanh nhất, xác định chính xác dòng chảy, hướng gió để tìm kiếm và đã tiếp cận, cứu toàn bộ thuyền viên và lai dắt tàu cá bị nạn về đất liền an toàn.
Hình ảnh người thân và bạn bè đến chia tay cán bộ, thủy thủ Tàu 629 (Hải đội 311, Lữ đoàn 161) lên đường làm nhiệm vụ khiến chúng tôi cảm động rơi nước mắt. Đại úy, Thuyền trưởng Võ Văn Nghĩa lúc đó đang dỗ dành cô con gái bé bỏng Võ Trần Ngọc Hân. Vợ anh - chị Bích Luận kín đáo quay mặt gạt vội dòng nước mắt. Hay chuyện Trung úy Lữ Đoàn Cường đã 26 tuổi đời vẫn chưa một lần cầm tay con gái. Cậu cười tươi, nói: “Đón xuân trên biển không tránh khỏi những phút chạnh lòng, nhưng rồi chúng tôi đều vượt qua được, bởi sau lưng mình là quê hương, là tổ ấm gia đình”.
Vâng, chúng tôi hiểu được rằng, những con tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ dù phải đối mặt với bao thử thách, sóng gió và hiểm nguy luôn rình rập, bủa vây, nhưng giữa biển trời bao la, mỗi CBCS không hề đơn độc, bởi tình yêu quê hương đất nước chính là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh và dũng khí cho người chiến sĩ giữ biển vượt qua gian khó, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, người chiến sĩ giữ biển đều vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng bởi thế nên mỗi độ xuân về, Tết đến, trong gia đình của những người lính biển, căn nhà nhỏ luôn trống trải và rộng thêm ra. Nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng, các anh luôn lặng thầm cống hiến, sắt son với lời thề giữ biển…
Công Hạnh