Kỷ niệm 90 năm ngày mất nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Thứ sáu, 25/03/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - ĐÀ NẴNG- Sáng 24-3 tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Sở GD-ĐT TP phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày cả nước để tang Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (24-3-1926 - 24-3-2016). Trong không khí thành kính trang nghiêm, các đại biểu, thầy cô cùng HS Đà Nẵng đã tưởng niệm, dâng hương tại tượng đài Cụ Phan Châu Trinh; đồng thời cùng nhau ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cùng những đóng góp to lớn của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đối với phong trào Duy Tân. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Bùi Văn Tiếng- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhấn mạnh đến vai trò, vị trí đặc biệt của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh trong lịch sử Quảng Nam-Đà Nẵng, là "kiến trúc sư trưởng" của phong trào Duy Tân...

Các đại biểu dâng hương cụ Phan Châu Trinh tại tượng đài Cụ Phan Châu Trinh.

Cụ Phan Châu Trinh sinh ngày 9-9-1872 tại xã Tam Lộc, H.Phú Ninh (Quảng Nam.) 28 tuổi, ông đỗ Cử nhân, 29 tuổi đỗ Phó bảng. Năm 1902, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện Bộ Lễ. 2 năm sau (1904) ông từ quan và cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với ba mục tiêu: khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh. Năm 1907, ông đẩy mạnh cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với trọng tâm là phát triển giáo dục... Năm 1908, phong trào đòi giảm suy thuế nổ ra ở Quảng Nam và lan rộng khắp Trung Kỳ. Cuộc đấu tranh này bị thực dân Pháp đàn áp dã man.

Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1911, ông được trả tự do rồi sang Pháp hoạt động. Năm 1925 ông về nước. Ngày 24-3-1926, do sức khỏe suy giảm, ông từ trần ở tuổi 54. Đám tang ông được cử hành trọng thể tại Sài Gòn và khắp cả nước, từ Nam ra Bắc dấy lên phong trào làm lễ truy điệu, để tang Phan Châu Trinh. Sự kiện cả nước để tang Phan Châu Trinh được xem là một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã từng viết: "...trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ"...Phan Châu Trinh là nhà cách mạng xã hội, nhà văn hóa, một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Suốt đời gắn bó và cống hiến hết mình vì vận mệnh dân tộc, ông mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế ngưỡng mộ, noi theo...

Sau lễ tưởng niệm, các đại biểu cùng HS Trường THPT Phan Châu Trinh đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh tại số nhà 72 đường Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng. Đây cũng là nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu quý về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của cụ Phan Châu Trinh. Được biết, sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động cùng chủ đề "Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2016" do Sở GD-ĐT phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Khoa học Lịch sử, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức.

K.Yên