Kỷ niệm 91 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8): "Binh chủng làm không bao giờ hết việc"
Lâu nay, nhiều người có thâm niên làm công tác tư tưởng cho rằng, người làm công tác tư tưởng thoạt nhìn "không có việc gì làm", nhưng đồng thời cũng là người "làm không bao giờ hết việc". Nghe qua, có lẽ không ít người cảm thấy mâu thuẫn, song ý tưởng đó ẩn chứa một nội hàm vô cùng thâm thúy về những yêu cầu đặt ra cho người làm công tác tư tưởng nói chung trong tình hình hiện nay.
Cán bộ, nhân viên ngành Tuyên giáo TP Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích cơ quan Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tại khu vực núi Hòn Tàu, xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. |
Ngay ý gọi là "không có việc gì làm" đã cho thấy công tác tư tưởng không phải là một nhiệm vụ đơn giản, dễ dàng cắt nghĩa và dễ tiếp cận; nó không bằng những con số, hình ảnh, sự kiện, mô hình cụ thể để đo đếm được, mà tính chất, đặc điểm của nó thuộc lĩnh vực tinh thần. Vì vậy, nhiệm vụ công tác trên lĩnh vực này hết sức to lớn, nặng nề, phức tạp cả về quy mô, tính chất và yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ. Do vậy, công tác tư tưởng phải nắm được tính thực chất về tâm trạng, tư tưởng tinh thần của toàn xã hội; trong khi tính xã hội lại rất đa dạng về thành phần, giai tầng, lĩnh vực với nhiều mối quan hệ tác động đến tâm trạng tư tưởng tinh thần của con người. Điều đó, đòi hỏi người làm công tác tư tưởng phải thường xuyên nắm bắt, nhận định và dự báo được tình hình để nhận định, tìm ra cho được tư tưởng còn tiềm ẩn, nhằm giúp cho việc định hướng hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, xây nên cái đẹp, dẹp cái xấu về tư tưởng trong xã hội.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng. Người đồng thời cũng lý giải: Vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc. Tiếp thu và vận dụng tư tưởng của Người, 91 năm qua Đảng ta luôn đặt công tác tư tưởng ở vị trí hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, góp phần tạo dựng nên ngọn đuốc soi đường cho Đảng ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều đó cho thấy người làm công tác tư tưởng của Đảng nếu không xác định được mục đích, yêu cầu, tính chất của công tác tư tưởng của Đảng thì đúng như đã đề cập là "không có việc gì làm".
Tuy nhiên, trong thực tế có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra những vấn đề về tư tưởng nảy sinh, thậm chí những điểm nóng về tư tưởng xảy ra đã làm cho "binh chủng" của toàn ngành nhìn nhận lại thực tế không thể chối bỏ là có lúc chúng ta "chưa có việc gì làm" so với yêu cầu của công tác tư tưởng, hoặc làm còn manh mún, chưa sâu sát, bao quát một cách toàn cục và đi vào chiều sâu. Đó cũng là lý do mà từ trước tới nay Bác Hồ luôn răn dạy, chỉ huấn không chỉ cho những người làm công tác tư tưởng mà mỗi cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị phải luôn coi trọng hướng về cơ sở, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của dân.
Một khi người làm công tác tư tưởng xác định được vị trí, vai trò và các yêu cầu đối với công tác tư tưởng thì quả công tác này theo đúng nghĩa thực sự của nó là "làm không bao giờ hết việc". Điều này thể hiện ở chỗ, người cán bộ làm công tác tư tưởng cần nhận thức rằng mình là một nhân tố của cơ quan trực tiếp và thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy Đảng trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa. Hơn nữa, công tác tư tưởng không thể có được hiệu quả nếu không có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên của cả hệ thống chính trị để tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…
Thiết nghĩ, công tác tư tưởng không bao giờ cho phép người làm công tác tư tưởng của Đảng thỏa mãn, chủ quan những gì đã làm được. Đứng trước yêu cầu của xu thế mới toàn cầu hóa; ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu với bao thời cơ, thách thức đan xen thì cái nghĩa "làm không bao giờ hết việc" đối với công tác tư tưởng càng rõ hơn. Những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội những năm qua, nhất là trong công tác phòng, chống COVID- 19 và thực hiện "mục tiêu kép" hiện nay đã có sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên giáo, không chỉ ở khía cạnh tuyên truyền, định hướng mà quan trọng là tập trung theo dõi, nắm bắt, phân tích, nhận định, dự báo và đề xuất giải pháp chỉ đạo, xử lý, là minh chứng cho việc không thể ngơi nghỉ của những người làm công tác tuyên giáo của Đảng.
Tin chắc rằng với truyền thông vẻ vang 91 năm qua của ngành tuyên giáo, công tác tuyên giáo Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy và có những đóng góp quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Điều đó đòi hỏi mỗi nhân tố trong "binh chủng" công tác tư tưởng của Đảng cần có nhiều nỗ lực cao hơn nữa để góp phần vào việc nuôi dưỡng và nhân lên bài học Đảng nói dân tin mà chúng ta đã, đang làm được và tiếp tục sẽ làm được.
Văn Sơn