Ký ức nghề săn voi Tây Nguyên

Thứ sáu, 28/10/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến mảnh đất Buôn Đôn (Đắc Lắc), người ta thường nghĩ về hình ảnh chú voi trong buôn bản. Để chinh phục loài voi hoang dã đưa về thuần dưỡng, các Gru (thợ săn voi) phải trải qua những chuyến hành trình nơi rừng thiêng, nước độc mà không phải ai cũng biết được.

NGƯỜI ĐƯA ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VỀ BUÔN

Để hiểu hơn về nghề săn voi của người dân Bản Đôn, chúng tôi tìm đến buôn Trí A (xã Krông Na, H. Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc), gặp ông Ama Đăng (1945), người săn voi có tiếng ở vùng đất mang tên “Chú voi con”. Trong cuộc đời của mình, ông Ama Đăng đã bắt được 20 con voi rừng, nhiều bò tót và thú hoang dã  đưa về buôn làng thuần dưỡng. Theo lời kể của ông Ama Đăng, ngày xưa Buôn Đôn được biết đến là nơi có nhiều voi rừng nhất Tây Nguyên. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi để lấy sức kéo, buôn bán và trao đổi hàng hóa. “Ngày ấy, mỗi chuyến đi săn là một hành trình gian khổ đối với các thợ săn voi. Thường thì mỗi chuyến đi kéo dài năm, bảy ngày, có khi cả tháng chúng tôi mới bắt được một con voi. Điều quan trọng nhất trong việc chuẩn bị cho hành trình săn bắt voi là phải có voi nhà. Voi nhà được tuyển chọn là voi đực to lớn, có ngà dài để có thể chống trả lại bầy voi hoang hung dữ. Dây thừng được sử dụng trong quá trình săn voi phải được làm từ da trâu. Với loại dây rất chắc và dẻo này thì voi có khỏe cỡ nào cũng không thể giật đứt được”-ông Ama Đăng kể. Để có một bộ dây thừng săn bắt voi, các Gru phải giết thịt 5-6 con trâu, lấy da phơi khô, cắt thành sợi nhỏ rồi tết thành dây thừng. Các Gru phải thực hiện các nghi lễ theo phong tục của làng trước ngày “xuất quân”. Nếu trong những ngày đó, trong buôn có người chết hay có người sinh đẻ, chuyến hành trình vào nơi rừng thiêng phải hoãn lại. Cho đến khi việc ma chay hoàn tất hay sản phụ sinh nở xong, đội thợ săn phải làm lễ cúng Giàng trước khi lên đường. Với nghi lễ gồm một ché rượu cần, một con gà, già làng xin phép Giàng để được phép đem con thú hoang ở rừng về buôn.

Ông Ama Đăng ngậm ngùi với những ký ức về nghề săn voi.

HÀNH TRÌNH “SỐNG CÒN” NƠI RỪNG THIÊNG

Sau khi hoàn thành các nghi lễ, các Gru bắt đầu chuyến hành trình của mình. Mỗi đội săn voi thường có ít nhất 4 người, hai người điều khiển một con voi nhà. Họ mang theo lương thực, quần áo vào rừng lần tìm nơi ẩn cư của đàn voi. Bằng kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, khi đến những khu vực voi thường xuyên lui tới, các Gru có thể nhìn qua dấu vết bầy voi để lại để đoán được có bao nhiêu con. Khi xác định được vị trí ẩn cư và quy trình sinh học của bầy voi, tất cả người trong đoàn phải mai phục, xác định cho mình con voi ưng ý, sau đó tìm cách bắt giữ. “Chúng tôi phải chọn những chú voi có tuổi nhỏ, cao không quá 2m. Bởi nếu voi quá lớn, chúng thường rất hung hăng và khi đưa về buôn thì việc thuần hóa cũng vô cùng khó khăn” ông Ama Đăng cho biết.

Các dụng cụ săn voi được ông Ama Đăng lưu giữ nhiều năm nay.

Khi đã chọn được một chú voi ưng ý, chiếc dây thừng chuẩn bị sẵn được đặt nơi bầy voi thường xuyên lui tới ăn cỏ. Sau khi chú voi mắc bẫy, các Gru điều khiển voi của mình xông tới xua đuổi bầy voi rừng kia đi nơi khác. Để bắt được một con voi rừng, các Gru phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Nhiều Gru đã trả giá vì gặp phải những tai nạn của nghề và chính ông Ama Đăng cũng không tránh khỏi. Khi đưa được “chiến lợi phẩm” về buôn, các Gru phải làm lễ cúng Giàng tạ ơn và giao cho một Gru đứng ra thuần dưỡng. Mỗi tuần, người thuần dưỡng voi phải làm lễ cúng Giàng một lần. Nghi lễ gồm một nắm xôi nếp, một ché rượu cần và một con gà. Cho đến khi chú voi rừng được thuần hóa thành công thì nghi lễ đó mới kết thúc...

“Ngày xưa rừng còn nhiều, voi sinh sống đông. Chúng tôi săn bắt voi dùng để lấy sức kéo hay trao đổi hàng hóa chứ không bao giờ giết thịt. Giờ đây một phần rừng bị các lâm tặc mổ xẻ nên ngày càng bị thu hẹp. Thêm vào đó, nạn săn bắn voi để lấy ngà, lấy thịt khiến quần thể voi ở rừng di tản sang các nước láng giềng gần hết. Mặt khác, số lượng voi ở Buôn Đôn không những không sinh sản mà chết dần, chết mòn. Mỗi con voi ở đây chết là thêm một người bỏ nghề. Tính cho đến thời điểm hiện nay, cả Buôn Đôn chỉ còn vỏn vẹn 14 con voi dùng để phục vụ khu du lịch. Những truyền nhân thuần dưỡng voi cũng ngày càng hiếm hoi và chỉ có thể điều khiển được voi nhà đã thuần hóa. Cứ thế nghề săn bắt voi dần trôi vào dĩ vãng”-ông Ama Đăng tiếc nuối. Đưa chúng tôi xuống phía nhà dưới, ông Ama Đăng chỉ tay về phía các dụng cụ như dây thừng, búa đánh voi, cây móc tai voi, xiềng chân voi... vẫn được ông giữ gìn cẩn thận. Thỉnh thoảng ông vẫn thường đem chúng ra lau chùi để hồi tưởng lại một thời trai trẻ với nhiều chuyến săn voi rừng... Theo ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin H. Buôn Đôn: “Trước đây nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được xem là nghề truyền thống của một số đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn. Năm 1995, sau khi có quyết định cấm săn bắt động vật hoang dã, trong đó có voi, người dân ở Buôn Đôn mới dừng việc săn bắt voi. Nghề săn bắt voi của người đồng bào giờ đây chỉ còn là một ký ức”.

Thơ Trịnh