Ký ức Sông Hàn

Thứ năm, 01/01/2015 15:08

(Cadn.com.vn) - Đỏ nặng phù sa nên gọi là sông Hồng, chúa Nguyễn Hoàng mộng thấy người đàn bà nhà trời chỉ lối dựng kinh đô nên có tên là sông Hương... Vậy vì sao gọi là sông Hàn?

Sông ở Việt Nam thì nhiều vô kể, sông nào cũng rộng lớn, quanh co, lắm thác ghềnh. Duy có sông Hàn thì ngắn, hình thành từ sự hợp nhất của sông Cẩm Lệ và sông Vĩnh Điện, rồi lơ đãng trôi chưa đến 10 km là đã hòa vào biển lớn. Với tôi, dòng chảy đó thật lạ và cái tên sông Hàn cũng là điều khó giải, bởi sông có lạnh đâu mà gọi Hàn?

Các nhà sử học lý giải rằng địa danh “Hàn môn” xuất hiện vào năm 1490 trong “Hồng Đức nhị thập nhất niên tứ nguyệt sơ lục nhật”, từ đó mà tên gọi “Cửa Hàn” chính thức ghi vào lịch sử dân tộc. Rồi từ Cửa Hàn ban đầu ấy, nhiều địa danh đính kèm với “Hàn” lần lượt ra đời và đi vào lịch sử với tất cả những thăng trầm, hư thực, không dễ gì lý giải được như: sông Hàn, chợ Hàn, phố Hàn...

Sông Hàn. Ảnh: XUÂN BÌNH

Người ta bảo sông chảy qua không bao giờ trở lại, nhưng hẳn những dòng sông vẫn ẩn chứa trong đó bao trầm tích lịch sử. Hàn giang cũng vậy, sâu dưới đáy sông là những câu chuyện về một vùng đất từng là miền biên viễn, về những người đã ngã xuống trong cuộc Nam chinh mà bao lớp sóng sông Hàn không thể khỏa lấp. Nhớ cách đây chưa lâu, khi theo ghe một ngư dân ở Ngũ Hành Sơn ra nơi giao nhau giữa sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện và Cổ Cò để thành sông Hàn, lão ngư này kể, ở ngã ba sông này từng có dấu tích về một vị tướng dưới triều Lê bị chết oan.

Chuyện rằng:  cách đây hơn 700 năm, Nguyễn Phục là một tiến sĩ nhà Lê, đã 3 lần đi sứ sang Trung Quốc, sau đó được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách chuyển lương thực vào Nam đánh giặc. Trên đường vận chuyển quân lương đến cửa biển Tư Khánh thì chẳng may gặp bão lớn, ông cho neo thuyền lại chờ bão tan mới đi tiếp. Mặc cho quân sĩ can ngăn, rằng nếu chậm trễ việc quân sẽ bị nhà vua khép tội “khi quân”. Thế nhưng, ông khẳng khái: “Ta thà chịu tội còn hơn để các ngươi và lương thực làm mồi cho cá!”. Vì thế mà khi đưa được đoàn quân lương đến được vùng đất bên cửa Hàn thì bị trễ hai ngày. Theo quân pháp, vua xử tội chết và ông bị xử chém tại Hóa Khuê. Uất ức vì chủ tướng chết oan, nhiều tướng sĩ dưới quyền cũng rút gươm tự sát. Cảm phục nghĩa khí của tướng Nguyễn Phục mà nhân dân các làng Thị An, Hóa Khuê... phong ông làm thành hoàng và thờ cúng tại miếu Một. Người dân Đà Nẵng có câu “Chim kêu miếu Một, gà gáy Giếng Đôi” xuất phát từ sự tích đó. Tiếc thay, sau bao cơn lũ miếu Một đã bị lở xuống sông, chôn vùi sự tích về vị tướng quân họ Nguyễn ra đi từ đất Thăng Long trong cuộc Nam chinh của dân tộc.

Chẳng biết có phải do duyên số hay không mà dòng sông Hàn đã gắn với bao sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước Việt. Quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công nước Nam tại đây và thành Điện Hải vẫn còn đó, để nhắc nhở về những lớp nghĩa quân đã ngã xuống. Rồi đến Mỹ cũng chọn nơi đây để đổ quân. Và mỗi lần như thế, dòng Hàn lại cuộn dâng sóng, cuốn phăng bao lớp quân xâm lược và rồi “chìm sâu dưới đáy những gì đau thương”, dòng sông lại êm dịu, xanh mát như thuở ban đầu.

 Dòng sông Hàn lưu giữ bao câu chuyện về vùng đất và con người Đà Nẵng.

Nhớ thời kỳ thương cảng Hội An vẫn còn phồn thịnh thì Đà Nẵng chỉ đóng vai trò tiền cảng cho Hội An. Tàu thuyền lớn vào thả neo ở vịnh Đà Nẵng, bốc dỡ hàng xuống ghe nhỏ để chở vào Hội An qua đường sông Hàn nối với sông Cổ Cò. Vào năm 1904, thực dân Pháp ở Trung Kỳ đã cho xây dựng tuyến đường sắt nội bộ Đà Nẵng - Hội An nhằm tiếp tục nối “tiền Cảng” Đà Nẵng với thương cảng Hội An.

Song tuyến đường này chỉ hoạt động trong vòng 12 năm, do nhiều lần bị bão cát làm hư hại phải ngừng hoạt động, cùng với đó khi sông Cổ Cò bị bồi lấp, thì thương cảng Hội An chấm dứt thời kỳ thịnh vượng của mình. Với lợi thế thiên thời, địa lợi, Đà Nẵng - sông Hàn đã tạo điều kiện để Hội An trở thành một trung tâm thương mại sầm uất trong mấy trăm năm. Rồi chính Đà Nẵng đã tự mình vươn dậy để trở thành trung tâm giao thương quan trọng ở miền Trung và Tây Nguyên.

Nhiều người ví sông Hàn như chàng trai trẻ đang độ sung sức, người khác bảo như cô gái tuổi đôi mươi. Hẳn ai đã từng xuôi thuyền theo sông hay lên đỉnh Hải Vân ngược nhìn về Đà Nẵng, sẽ cảm cái vẻ đẹp của  sông Hàn. Không quá thơ mộng như sông Hương hay hùng tráng như sông Cửu Long, Hàn giang đẹp theo cách riêng, bàn bạc trong sương sớm, in nghiêng phố thị lúc chiều tà và lung linh trong ánh đèn đêm.

Chẳng phải xưa kia, trên đường bình Chiêm, khi dừng chân trên đỉnh Hải Vân nhà vua Lê Thánh Tông cảm tác câu thơ Tam canh dạ tĩnh, đồng long nguyệt. Ngũ cổ phong thanh, lộ hạc thuyền. (Dịch là: Đêm khuya trăng rọi Đồng Long. Thuyền buôn Lộ Hạc gió ròng canh châu)  khi nhìn về sông Hàn và vịnh Đà Nẵng để tả cái cảnh đẹp nơi đây đó sao. Và vẻ đẹp đó bây giờ vẫn thế và ngày càng điểm tô thêm nhiều sắc màu, sắc màu của một đô thị phát triển, của thành phố những nhịp cầu.

Minh Hà