Kỷ vật ân tình của nhà thơ Tố Hữu
(Cadn.com.vn) - Gia đình của cố già làng Đinh Deh (làng Rô, xã Cà Dy, H. Nam Giang, Quảng Nam) đến nay vẫn còn lưu giữ món quà đáp tạ công ơn của nhà thơ Tố Hữu trao tặng. Không chỉ gia đình mà cả làng Rô anh hùng bảo đó là kỷ vật ân tình... Trong một lần trở lại làng Rô vào tháng 5-1973, nhà thơ Tố Hữu đã mang theo những món quà thân tình biếu tặng gia đình già làng Đinh Deh. Đó là một bức ảnh chụp chân dung, một chiếc đài radio cùng 4 câu thơ gửi tặng làng Rô- ngôi làng anh hùng đã cưu mang nhà thơ trong thời gian bị thực dân Pháp truy bắt:
"Ơi làng Rô nhỏ của tôi
Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng
Trăm năm ta nhớ ơn làng
Cánh tay che chở bước đường gian nguy"
Từ đó đến nay, những kỷ vật của nhà thơ Tố Hữu cũng như hình ảnh của ông vẫn còn đọng mãi trong lòng những con người đã từng gặp nhà thơ. Bà Ka Fu Thị Đẹp, người vợ thứ 3 của già làng Đinh Deh, kể: "Ngày đó chính ông Deh là người đã đưa Tố Hữu ẩn nấp ở con rẫy bên dòng sông Rô và hơn một tuần mang cơm cho nhà thơ. Sau này ông ấy tìm về gặp gia đình, trao tặng 2 kỷ vật. Bức ảnh thì tôi đặt lên bàn thờ để thờ cùng ông Deh, còn chiếc đài radio nay đã cũ kỹ được tôi cất cẩn thận trong tủ. Với nhà thơ, mặc dù hồi đó tôi còn rất nhỏ nhưng vẻ mặt đôn hậu, tính tình cởi mở, gần gũi của ông khiến tôi nhớ mãi. Lúc nào buồn tôi lại đem chiếc radio ra rồi mường tượng đến hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng năm nào".
Kỷ vật ân tình của nhà thơ Tố Hữu vẫn đang được con cháu làng Rô giữ gìn nguyên vẹn |
Năm 2006, trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Deh vẫn không quên trăn trối với vợ con bà Đẹp rằng bằng mọi giá phải giữ gìn cẩn thận những kỷ vật ân tình của nhà thơ Tố Hữu, bởi trước khi khuất núi, rất nhiều người đã tìm đến đặt vấn đề muốn mua lại chiếc radio và bức di ảnh nhà thơ nhưng ông Deh một mực từ chối. "Bà con làng Rô xem người chiến sĩ ấy như là người con của bản làng, cho nên những kỷ niệm về nhà thơ sẽ mãi hằn in trong tâm trí của đồng bào và sẽ tiếp tục được kể lại với con cháu. Gia đình đến bây giờ rất đỗi tự hào vì còn lưu giữ được 2 kỷ vật của nhà thơ và chắc chắn sẽ mãi trân trọng, truyền lại đến những thế hệ sau này", bà Đẹp chia sẻ. Trong những dịp lễ hội của bản làng hay huyện tổ chức, hai kỷ vật đó lại được mang đến nhà lưu niệm truyền thống để nhắc nhớ mọi người về câu chuyện nghĩa tình của gia đình già làng Deh nói riêng và làng Rô nói chung với người chiến sĩ, nhà thơ cách mạng của dân tộc.
Trần Tiểu Xuân