Kỷ vật đặc biệt của người anh hùng

Thứ hai, 20/02/2023 17:03
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Đức Hiền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5 có một kỷ vật đặc biệt về Thành cổ Quảng Trị, đó là... chiếc bao gạo sấy. Ông dí dỏm gọi là “trùm” của chiến lợi phẩm, dù nó chỉ là chất liệu ni-lông, đã dần cũ kỹ. Kỷ vật ấy như người bạn nhỏ đã đồng hành cùng ông qua bao chiến trường khốc liệt...
Chiếc bao gạo sấy, người bạn đồng hành bé nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Hiền đọc lại những bức thư cho vợ nghe.

Người Anh hùng nói rằng, màn tuyn, đèn pin, bi đông, tấm dù… từ chiến trường Quảng Trị, ông đều có cả nhưng cách đây chục năm đã tặng bảo tàng. Cái bao ni-lon đựng gạo sấy này, ông thu được từ kho gạo chiến lợi phẩm ở Ái Tử, nơi được ví như là “dạ dày” của địch tại Quảng Trị. Gạo thì đổ nước sôi vào ăn, bao giữ lại đựng giấy tờ. Hồi đó có được tấm bọc chắc chắn vậy, không dễ. Ông dùng nó đựng thư vợ gửi từ miền Bắc vào, giấy chuyển sinh hoạt Đảng, quyết định thăng quân hàm trước thời hạn, Huân chương chiến công hạng Ba... May mắn là qua nhiều chiến trường, kể cả sau này chiến đấu ở Campuchia, tất cả giấy tờ trong bao vẫn còn mới nguyên. Sau này khi ông làm hồ sơ phong tặng AHLLVTND, những kỷ vật gốc ghi nhận khen thưởng ấy giúp ông đỡ nhiều công sức xác minh.

Đại tá Nguyễn Đức Hiền có một chuyện tình cảm động với bà Lâm Thị Ngọc Phượng, nguyên nữ y tá nổi tiếng của Ban Dân y Điện Bàn trong chiến tranh. Cùng quê Điện Tiến, mối tình của họ đã trải qua bao ác liệt. Cưới nhau từ năm 1966 nhưng hai người chẳng mấy khi gần nhau. Năm 1971, bà bị thương khi địch đánh vào đội phẫu ở Điện Hồng. Chúng đưa lên trực thăng rồi chở bà ra điều trị ở bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng. 7 lần bác sĩ phẫu thuật bụng là 7 lần bà lôi chỉ khâu cho ruột bục ra để chống đối. Đến lần thứ 8 thì bà không cho mổ nữa. Chúng tức tối giam bà vào nhà lao, sau đó đưa ra xử tại Tỉnh đường Hội An cùng các tù nhân khác. Trước bá quan văn võ, bà Phượng một mực kêu oan. Tại đây, bà giở áo lôi bộ ruột được bọc trong bao ni-lông ra cho các quan tòa xem. Tất cả “ồ” lên sửng sốt, sau đó tha bổng ngay. Bà trở về trong vòng tay đồng đội sau một năm đấu trí với kẻ thù. Suốt 3 tháng hành quân ra Bắc điều trị vết thương, bà tiếp tục chịu đau đớn với bó ruột hở của mình. Ra Hà Nội, đến thăm nhà người chú, thấy tấm ảnh chồng tặng cho gia đình treo trên tường, bà mừng không kể xiết bởi 4 năm rồi không hề biết tin tức của nhau. Bà liền gặp Ban Thống nhất Trung ương để chuyển thư vào chiến trường Quảng Trị. Khi thư đến tay ông, thì bà đã được đưa sang Trung Quốc mổ nối ruột. Vết sẹo trên bụng bà dài thêm vài tấc nữa nhưng đó cũng là “cú đóng” ruột cuối cùng…

Chiếc bao gạo sấy, người bạn đồng hành bé nhỏ.

Ông Hiền nhận được thư bà Phượng thì mừng không kể xiết. Biết bà muốn nghe chuyện Quảng Trị, ông kể cho vợ về những chiến công của cán bộ, chiến sĩ và người dân Thành cổ, hạn chế nói đến những mất mát đau thương để bà bớt lo lắng. Thư viết trong chiến sự, nhiều khi chưa thể gửi được, ông lại cất vào bao gạo sấy, chờ dịp chuyển đi. Một số thư sau này khi ra đến Hà Nội thì bà đã sang Trung Quốc chữa bệnh. Vậy mà bằng cách nào đó, thư vẫn đến tay bà ở xứ bạn. Trong những bức thư được lưu giữ, cái tên Quảng Trị được lặp lại nhiều lần: “Anh kể em nghe chuyện chiến trường Quảng Trị là nơi ác liệt nhất, là nơi giáp miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tháng 4-72, ta giải phóng 30 vạn dân, sau đó nó tấn công lại và hiện nay địch giữ 1/4 đất. Quang cảnh ở đây rất đẹp em ạ. Có cảng Cửa Việt, Đông Hà, Thạch Hãn, Cam Lộ, có suối La La và nơi đây ghi dấu chiến công lịch sử Khe sanh, Ái Tử và nhiều huyện có truyền thống ngang Điện Bàn quê ta như Triệu Phong, Hải Lăng. Anh rất tự hào mình được trực tiếp chiến đấu trên chiến trường nóng bỏng rực lửa chiến công…”. Một thời gian sau, ông xin phép cấp trên được ra Hà Nội gặp vợ. Bà biết tin, liền rút ngắn thời gian an dưỡng ở Trung Quốc tức tốc về Việt Nam. Cô con gái Nguyễn Thị Như Lệ sinh năm 1974 chính là món quà tình yêu lớn nhất mà cuộc đời ban tặng trên đất Bắc.

Hiện ở tuổi U80, hai ông bà vẫn năng động, nhiệt tình với việc “vác tù và hàng tổng”. Hai người con trai sinh sau này đều quây quần hỗ trợ cha mẹ nên căn nhà của cặp cựu binh ở số 45 Duy Tân (Đà Nẵng) lúc nào cũng đầm ấm. Qua bao biến cố, vợ chồng ông càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình có được hôm nay. Và chiếc bao gạo sấy - kỷ vật lưu giữ tình yêu của hai người được ông bà nâng niu cất giữ.

Năm 1968, khi đang là Huyện Đội phó Điện Bàn (Quảng Nam), ông Nguyễn Đức Hiền được ra Bắc học ở Học viện Chính trị. Rời trường với quân hàm thượng úy, ông được điều về làm Chính trị viên phó 1 (sau đó là Chính trị viên) Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Đầu năm 1972, đơn vị ông làm nhiệm vụ ở Quảng Bình – Đèo Ngang và đến đầu tháng 5- 1972 thì trực tiếp vào phòng thủ từ Long Hưng đến ga Quảng Trị. Tại chiến trường Quảng Trị, với những thành tích nổi bật, ông được phong quân hàm đại úy trước ba năm. Một điều thú vị, năm 1976, từ bộ binh, ông Hiền được điều về làm Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 101 Hải quân đóng ở Phú Quốc. Ở cương vị mới này, ông cùng đồng đội tiếp tục lập nên nhiều chiến công. Trở về Quân khu 5, Đại tá Nguyễn Đức Hiền làm Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Sư đoàn 2, tiếp tục có nhiều năm ở Mặt trận 579 đông bắc Campuchia. Ông được phong tặng danh hiệu AHLLVTND năm 2018.

Hồng Vân