Kỳ vọng đổi thay "vùng đất khát"

Thứ hai, 07/09/2020 19:00

Với kỳ vọng biến vùng đất khô khát bao đời nay ở 2 huyện được xem như "chảo lửa" là Ia Pa và Krông Pa của tỉnh Gia Lai, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu gần 10 năm qua và hiện tiếp tục khảo sát thực tế để chuẩn bị kinh phí đầu tư cho Dự án thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul (xã Ia Tul, H. Ia Pa).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bìa trái) cùng các đơn vị, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai kiểm tra thực tế tại khu vực thực hiện Dự án thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai đã có chuyến khảo sát thực tế tại Dự án thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul. Tại chuyến thực tế, theo Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở địa bàn H. Ia Pa và một số vùng phụ cận vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng nên hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt. Điều đó khiến sản xuất và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, không thể phát huy hết lợi thế đất đai mang lại.

Nhằm tìm giải pháp lâu dài giúp đổi thay cả vùng đất quanh năm phụ thuộc vào "ông trời" này, nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu để triển khai Dự án trên. Theo đó, dự kiến công trình thủy lợi Ia Thul sẽ phục vụ tưới tiêu cho khoảng 7.700ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó 1.400ha diện tích lúa, 6.000ha hoa màu và khoảng 300ha cây công nghiệp dài ngày.

Sau khi công trình đi vào hoạt động sẽ cung cấp nguồn nước cho diện tích đất nông nghiệp của 4 xã thuộc H. Ia Pa và 1 xã của H. Krông Pa. Kỳ vọng về công trình không chỉ biến vùng đất khô khát bao năm nay thành vùng đất sản xuất ổn định mà mang lại ý nghĩa về kinh tế cho người dân, đặc biệt là người dân đồng bào dân tộc thiểu số đa phần sinh sống ở khu vực này. Không chỉ thế, công trình còn là khu vực để nuôi cá, cải thiện môi trường vào mùa khô cũng như kết hợp phát điện. Công trình dự kiến được xây dựng trên khu vực sông Ia Tul, chi lưu của dòng sông Ba, cách TX Ayun Pa khoảng 9km và tổng mức đầu tư khoảng 3.428 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo tình hình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: quan điểm của Bộ là khu vực nào có nguồn nước thì được xem xét triển khai đầu tư xây dựng hồ đập. Bởi "kho nước" ở Tây Nguyên vẫn đang thiếu, vùng tưới chưa đủ rộng. Hiện, toàn bộ công trình thủy lợi ở khu vực Tây Nguyên chỉ mới đạt 1,6 tỷ m3 nước, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới chủ động của vùng chỉ đạt 28%, thấp nhất so với cả nước.

Với Dự án thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul, Bộ đã nghiên cứu tiền khả thi trong 10 năm qua, đến thời điểm này tiến hành khảo sát và cấp kinh phí để đầu tư xây dựng. Cụ thể, Dự án thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Ba vào tháng 10-2017. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau đó vào tháng 7-2012. "Sau khi khảo sát thực tế cũng như nghe các đơn vị liên quan báo cáo, Bộ NN&PTNT sẽ bàn bạc kỹ với UBND tỉnh Gia Lai để sớm triển khai thực hiện dự án vào năm 2021", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.

Trước những vấn đề một số công trình thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên chậm tiến độ, bất cập khi triển khai vùng tưới, như: dự án thủy lợi Ia Mơr, Ia Mlah (Gia Lai), Krông Pách Thượng (Đăk Lăk), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: "Cần phải xây dựng hồ chứa này trong vòng 5 năm, chứ không để kéo dài ra 10 năm hay 15 năm như một số công trình khác. Đúng là ở Tây Nguyên đang có nhiều công trình bị chậm tiến độ, chúng tôi đang cố gắng giải quyết khó khăn do lịch sử để lại, thúc đẩy nhanh tiến độ dự án. Mục tiêu chúng tôi là từ năm 2012-2025, chúng ta sẽ xây dựng, đầu tư các hệ thống kênh tưới tiêu. Vì nếu có hồ mà không có hệ thống tưới tiêu thì không thể phát huy hết hiệu quả công trình đã đề ra".

Về phía chính quyền địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, ông Lưu Trung Nghĩa khẳng định: sự cấp thiết của công trình đã thấy rõ, ngoài phục vụ tưới tiêu, cải tạo môi trường sinh thái..., hồ chứa với dung tích chứa khoảng 60 triệu m3 nước sẽ cắt lũ ở lưu vực sông Ba và sông Ia Tul. Trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tính toán các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đánh giá tác động môi trường cụ thể, chính xác để đảm bảo đúng tiến độ triển khai dự án.

Với nhiều kỳ vọng vào dự án, chính quyền cũng như người dân đều mong muốn công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul trên 3.400 tỷ đồng sẽ sớm đi vào hoạt động đúng như cam kết của Bộ NN&PTNT.  Bởi dự án sẽ mang lại những lợi ích lớn về đời sống, kinh tế của vùng đất được xem là "chảo lửa" bao đời này.

M.T