Kỳ vọng gì từ diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022?
Đà Nẵng đã chuẩn bị gì?
Trên cơ sở lợi thế đặc thù, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư, phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics… Các lĩnh vực này đều đòi hỏi phải có hạ tầng hiện đại, thể chế đột phá, nhân lực chất lượng. Những yếu tố này cần thời gian nhất định để chuẩn bị, trước khi có thể thu hút được nhà đầu tư lớn, còn gọi là "đại bàng". Chẳng hạn về hạ tầng công nghiệp, Đà Nẵng đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu Công nghệ cao Khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm số 2, từ đó tạo mặt bằng, không gian để thu hút các dự án sản xuất. TP cũng nỗ lực chuẩn bị điều kiện để khởi công dự án cảng Liên Chiểu, mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đầu tư các tuyến đường kết nối cao tốc để phục vụ phát triển logistics và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm nói chung. Ngoài ra, sự chuẩn bị về quy hoạch, đất đai, đặc biệt là thể chế để xây dựng trung tâm tài chính quy mô quốc tế cũng được Đà Nẵng chuẩn bị khá chu đáo thời gian qua.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, hiện TP đang triển khai quy hoạch 12 phân khu chức năng, dự kiến năm 2022 sẽ xong một số phân khu lớn như phân khu đổi mới sáng tạo, phân khu cảng biển. Quy hoạch phân khu là cơ sở để các dự án đi vào quy hoạch chi tiết hơn, xác định ranh giới rõ ràng hơn, như phân khu cảng biển gồm có cảng Liên Chiểu, khu đô thị cảng, khu logistics. Khi có quy hoạch phân khu xong sẽ xác định ranh giới rõ ràng các dự án này, nhà đầu tư có thể thực hiện quy hoạch 1/500 để tiến đến đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng theo bà Phương, thời gian qua Đà Nẵng còn tích cực cải cách hành chính, cắt gọn tủ tục để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bà Phương chia sẻ, năm 2019, TP có ban hành đề án quản lý liên thông các thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài các KCN và khu CNC, bây giờ đang hoàn chỉnh quy trình này cho gọn hơn, đơn giản hơn các thủ tục. Bởi lẽ các dự án này thường phải tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá đất nên rất lâu. Trên căn cứ trên quy trình này, Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng phần mềm quản lý liên thông ở các ban, ngành. Việc thực hiện sẽ được hiển thị trên hệ thống, nên công tác quản lý, giám sát, trách nhiệm các sở được nâng lên, thời gian được rút ngắn. Sở KHĐT đều lên tiến độ tất cả các dự án rất cụ thể, Tổ công tác xúc tiến đầu tư do Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng hằng tháng sẽ họp để rà soát quá trình xúc tiến đầu tư các dự án, có kế hoạch xúc tiến những nhà đầu tư quan trọng, chiến lược. "TP đang nỗ lực và quyết tâm để các dự án đi vào triển khai được, chứ không phải cấp phép xong là nằm đó. Trong diễn đàn đầu tư này sẽ công khai các quy trình này để nhà đầu tư giám sát, theo dõi" - bà Phương nói.
Với đặc thù Đà Nẵng quỹ đất hạn hẹp, do đó việc chuẩn bị các khu đất lớn phục vụ nhà đầu tư "đại bàng" cũng là thách thức lớn. Hiện TP còn duy nhất khu đất lớn là KCN An Đồn đang chuyển đổi thành khu đô thị, các khu đất khác chỉ 1-2 ha để kêu gọi đầu tư trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại. Các dự án đầu tư khu đô thị sinh thái, khu đô thi thông minh hiện nay được hướng chủ yếu về Hòa Vang, nơi còn nhiều diện tích. Đặc biệt, với khu đất lớn 6ha trên đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp còn sót lại, TP dành để kêu gọi đầu tư Trung tâm tài chính quy mô quốc tế. Hiện đề án Trung tâm tài chính Đà Nẵng đang xin cơ chế đột phá với hy vọng trong năm nay hoặc năm sau được T.Ư chấp thuận, lúc đó mới có thể đấu giá sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư. Đề án trung tâm tài chính và khu đất 6ha này cũng được giới thiệu trong Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022.
Chuyển dịch vốn FDI
Trước đây kinh tế Đà Nẵng phụ thuộc nhiều vào dịch vụ (hơn 60% cơ cấu), nhưng sau 2 năm đại dịch, đây lại là lĩnh vực dễ bị tổn thương, phát triển không bền vững. Từ đó, Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để cân bằng hơn. Điều đáng mừng, trong cơ cấu nguồn vốn chuyển động vào lĩnh vực sản xuất, nhất là vốn FDI cũng tăng lên rõ rệt. Bà Phương chia sẻ, khi Khu CNC thu hút được một số dự án lớn thì cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ chỉ còn chiếm 30% (công nghiệp trên 50%). Hiện nay cơ cấu vốn FDI vẫn đi theo hướng như vậy. Điều đó chứng tỏ tiềm năng về công nghiệp của Đà Nẵng rất lớn. TP nhận thấy xu hướng dòng vốn của nhà đầu tư nên đang kêu gọi đầu tư 3 KCN mới rộng hơn 1.000 ha. Ngoài ra, xây thêm KCN hỗ trợ tại Khu CNC nhằm tạo cơ hội thu hút nhiều hơn nhà đầu tư.
Theo chia sẻ của bà Phương, năm 2019 có gần 200 đoàn nhà đầu tư tới Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội đầu tư, 2 năm dịch vừa qua nhà đầu tư không đến được, nhưng hiện nay các đoàn nhà đầu tư đang quay lại. Trong số đó, các nhà đầu tư từ Nhật Bản nhiều nhất, sau đó tới Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Thống kê, trong số 3,8 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Đà Nẵng, các nhà đầu tư của Nhật chiếm gần 1 tỷ USD với 230 dự án. "Họ nhắm đến Việt Nam để đầu tư vì đây là điểm đến an toàn, tiềm năng"- bà Phương nói.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã thu hút 12 dự án (3 dự án FDI tổng vốn 65 triệu USD, 9 dự án trong nước tổng vốn hơn 1.478 tỷ đồng) vào các khu công nghệ này. Như vậy, hiện Khu CNC và các KCN đã có 508 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.665 tỷ đồng, 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.913 triệu USD.
HẢI QUỲNH
Đổi mới thu hút đầu tư Để thu hút được "đại bàng" đến đầu tư thì phải trực tiếp tìm tới họ làm việc, tiếp thị mình chứ không ngồi chờ họ tới. Với những dự án trọng điểm thì lãnh đạo TP sẽ chủ trì để tiếp cận nhà đầu tư. Việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, để cho các nhà đầu tư đã đầu tư hiệu quả tại Đà Nẵng tiếp thị về môi trường đầu tư TP sẽ có trọng lượng hơn. Và, cách xúc tiến hiệu quả nhất là nỗ lực cải thiện môi trường, điểm nghẽn trong đầu tư tại địa phương. |