Là điểm sáng phục hồi, nhưng du lịch Đà Nẵng đang gặp khó trong cạnh tranh điểm đến
Áp lực làm mới du lịch
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2023, số lượt khách do cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ ước đạt hơn 5,8 triệu lượt, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2022, đạt 138% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,6 triệu lượt, khách nội địa ước đạt hơn 4,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng năm 2023 của Đà Nẵng ước đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ 2022. Dự kiến cả năm 2023, du khách đến Đà Nẵng đạt hơn 7,1 triệu lượt.
Trao đổi về khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, dù được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong phục hồi sau đại dịch nhưng ngành du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức. Hiện tại chi phí đầu vào của các doanh nghiệp lữ hành đều tăng nhưng giá bán không thể tăng, thậm chí phải có các chính sách giảm giá nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng điểm đến. Ngoài tín hiệu ổn định thị trường nội địa thì khách quốc tế sẽ rất khó hoàn thành chỉ tiêu khi thị trường Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn còn nguồn khách Hàn Quốc đã đến mức bão hòa. “Trong bối cảnh mất cân đối giữa chi phí và doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt khủng hoảng, kiến nghị TP đề xuất các bộ ngành tháo gỡ khó khăn như hạ lãi suất, khoanh nợ, giản nợ, cho vay mới ưu đãi. Ở cấp địa phương, TP xem xét điều chỉnh khung giá thuê đất của các doanh nghiệp ven biển theo hướng vừa hạ, vừa phù hợp với diện tích thực tế sử dụng”, ông Dũng kiến nghị.
Về chính sách, chủ trương phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất TP tháo gỡ vướng mắc để sớm phát triển du lịch thủy nội địa.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng, thách thức của du lịch Đà Nẵng hiện tại là phải có nhưng cách làm mới cả về sản phẩm, chất lượng, thị trường, truyền thông… Lấy ví dụ để so sánh với du lịch các nước trong khu vực, ông Cường cho biết những hạn chế của du lịch Đà Nẵng thì đều có ở rất nhiều nước, những cách truyền thông, ứng xử lại khác nhau. Vừa qua, đoàn của Đà Nẵng đi xúc tiến du lịch ở Thái Lan cũng chứng kiến cảnh ngập lụt hay xả thải. Đó là khó khăn chung, chính quyền đang nỗ lực để khắc phục nhưng không thể xử lý trong ngày một ngày hai. “Vấn đề là cách ứng xử, truyền thông để du khách vẫn đến và trải nghiệm những sản phẩm tốt. Chúng tôi đi kiểm tra ở nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng thì thấy dù tình trạng chèo kéo, xe dù bến cóc đã được xử lý cơ bản nhưng vẫn có bảng cánh báo treo ở vị trí rất nổi bật làm cho du khách hoang mang, lo lắng. Như vậy vô tình chúng ta truyền thông những cái không tích cực trong khi đang là điểm sáng nhất cả nước về phục hồi du lịch”, ông Cường đánh giá.
Không chuẩn bị từ sớm, từ xa thì sẽ tụt hậu
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, du lịch Đà Nẵng đang bị cạnh tranh điểm đến gay gắt cả về giá cả cũng như sản phẩm. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch và chính quyền phải có những giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời. Hiện nay kiến nghị thì rất nhiều nhưng một số vấn đề chưa có nghị quyết riêng để tạo ra chính sách, như cơ chế phát triển kinh tế đêm, cơ chế thí điểm về khôi phục, đổi mới các đường bay sau dịch, cơ chế phát triển nguồn nhân lực du lịch hay cơ chế về đặt hàng của TP với các hiệp hội đưa khách đến Đà Nẵng… “Kiến nghị mà không có chính sách sẽ rất khó cho các ngành thực hiện và tạo ra kết quả tốt. Hiện nay nguồn lực cho lĩnh vực du lịch chưa thực sự thỏa đáng, chúng ta cần cân đối đầu tư cho các hạ tầng, sản phẩm mới. UBND TP cần lưu ý để đề xuất vào danh mục ưu tiên về đầu tư công cho vấn đề này”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao về tốc độ phục hồi của ngành du lịch cũng như đóng góp chung trong nền kinh tế TP. Với việc đóng góp khoảng 7% vào tăng trưởng kinh tế TP, bù đắp cho sự sụt giảm của ngành công nghiệp, ngành xây dựng, du lịch vẫn là điểm sáng nhất và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2024.
Thống nhất thành lập quỹ xúc tiến sự kiện du lịch Tại hội nghị, trước đề xuất thành lập quỹ xúc tiến tổ chức sự kiện lớn bằng nguồn lực xã hội hóa với sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng ý tưởng thành lập quỹ xúc tiến sự kiện là rất cần thiết. Thống nhất với đề xuất thành lập quỹ bằng nguồn lực xã hội hóa để chung tay phát triển du lịch, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đặt vấn đề sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp. Đây không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm, thể hiện vai trò kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội, đi cùng nhau để xây dựng nền du lịch bền vững. |
Tuy nhiên, với những thách thức đã được dự báo, các cấp, các ngành phải chuẩn bị từ sớm, từ xa để giữ được vị thế và tiếp tục khẳng định du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch thế giới. Phải có sự quyết tâm, đồng lòng, vì nếu không làm được tốt hơn thì tất nhiên là sẽ tụt hậu. “Ban cán sự Đảng UBND TP tăng cường công tác phối hợp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Phải thực hiện các giải pháp hỗ trợ triển khai những dự án lớn, đặc thù, khác biệt và trở thành động lực cho sự phát triển. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp đề xuất thì nói miệng là không thể giải quyết được, phải có đề án kỹ càng, kiến nghị với Hiệp hội để trình TP. Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ mình cần gì”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu, đồng thời cho rằng ngành du lịch phải đề cao tính cộng đồng, đi lẻ từng doanh nghiệp, “mạnh ông nào ông nấy đi” thì khó mà thành công. Hiệp hội Du lịch cũng cần phải chủ động, tích cực trong vai trò kết nối, thông tin, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Có vướng mắc là phải kiến nghị ngay chứ không nhất thiết phải chờ đến cuộc họp. Chính quyền sẽ đồng hành, hỗ trợ nhưng doanh nghiệp phải chủ động để tạo ra một môi trường du lịch cạnh tranh công bằng, có sức mạnh.
Đề cập đến tốc độ phục hồi du lịch của TP, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt đề cao đến vai trò của những tiểu thương, người buôn bán nhỏ và các tầng lớp nhân dân. Dành lời cảm ơn đến sự chung tay, đồng hành của nhân dân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định: “Nhân tố quyết định cho sự phát bền vững của du lịch, đưa hình ảnh điểm đến Đà Nẵng đi khắp thế giới chính là cộng đồng, là người dân. Điều đó lãnh đạo thành phố đã được kiểm chứng sau mỗi chuyến đi công tác, ngoại giao, đi xúc tiến, quảng bá. Mỗi người dân là một đại sứ với ứng xử thân thiện, nghĩa tình sẽ tạo nên giá trị cốt lõi về chất lượng du lịch, về hình ảnh điểm đến Đà Nẵng”.
Công Khanh
Lực lượng Công an có dấu ấn đậm nét trong tốc độ phục hồi ấn tượng của du lịch Đà Nẵng Tại Hội nghị tổng kết 9 tháng đầu năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến của ngành Du lịch vào ngày 12-10, lãnh đạo TP Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao dấu ấn của lực lượng Công an. Sự chính xác trong tham mưu, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của toàn lực lượng đã góp phần đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, góp phần cho sự phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng. Trong 9 tháng qua, lực lượng Công an TP đã chủ động triển khai có hiệu quả các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, UBND TP Đà Nẵng về công tác bảo vệ an inh quốc gia (ANQG), đảm bảo trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Giám đốc Công an TP, toàn lực lượng đã đảm bảo ANTT, bảo vệ tuyệt đối an toàn các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch. Các lễ hội lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2023, Tận hưởng mùa hè, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải BRG Open Golf Championship Danang 2023, Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN lần thứ l6 và ASÊAN +3 lần thứ 7... được tổ chức thành công, tạo dấu ấn với đại biểu, du khách trong nước và quốc tế khẳng định Đà Nẵng có đủ năng lực về mọi mặt trong công tác chuẩn bị, tổ chức và luôn là điểm đến an toàn. Thượng tá Nguyễn Đại Đồng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ để kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật cũng như phòng ngừa, phát hiện các đối tượng lợi dụng du lịch để xâm phạm ANQG và TTATXH. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 192 người nước ngoài vi phạm trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, cư trú; xử phạt 14 cơ sở lưu trú và 1 hộ kinh doanh không khai báo tạm trú cho người nước ngoài. Cùng với đó, đã phát hiện, bắt giữ, bàn giao 4 đối tượng truy nã người nước ngoài, trục xuất 16 người khác vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, sử dụng trái phép chất ma túy. Lực lượng Công an đã tham mưu Chủ tịch UBND TP tổng kết Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tổng kết Luật Nhập cảnh, xuất cảnh của công dân Việt Nam; Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đôi với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam”. Xuất phát từ thực tiễn công tác, Công an TP Đà Nẵng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thi hành như: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam; Thông tư 62/TT-BCA ngày 15/12/2022 và Thông tư 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ CA. Cùng với đó là phối hợp ngành Du lịch tăng cường công tác thanh kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch. Từ đó đã phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng thẻ hướng dẫn viên giả để hành nghề, để khách đi du lịch trốn ở lại nước ngoài, lợi dụng dịch vụ đặt phòng lưu trú online để lừa đảo các cơ sở lưu trú. Cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TTATGT, PCCC & CNCH nhằm nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, phục vụ khách du lịch, lực lượng công an cũng đã chú trọng công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp và tại cơ sở. Theo đánh giá của quần chúng nhân dân, các cơ sở kinh doanh và đặc biệt là du khách, với sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, liên tục của lực lượng công an, tình hình ANTT tại các điểm đến được đánh giá là “mặt tiền” của du lịch thành phố như Sân bay Đà Nẵng, các bãi biển, khu vui chơi giải trí được đảm bảo. Tình trạng taxi trá hình, chèo kéo, lấy giá cước cao gây phiền hà cho du khách kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” đã được xử lý nghiêm minh, không còn tái diễn. “Kể từ khi Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được thành lập và đi vào hoạt động, việc đảm bảo ANTT tại đây đã dần chuyên nghiệp hơn. Đường ra vào sân bay được đảm bảo thông thoáng, việc chèo kéo khách của một số tài xế taxi trá hình đã không còn. Điều này được ngành du lịch, các đơn vị và đặc biệt là du khách đánh giá cao”, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng cho biết. Sau một số vụ trộm cắp tài sản của du khách tắm biển, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chỉ đạo CAQ Sơn Trà làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng, trả lại bãi biển bình yên, an toàn cho du khách gần xa. Song song với đó, phối hợp Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, các cơ sở dịch vụ tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền, tới cộng đồng du khách chung tay giữ gìn bãi biển Đà Nẵng bình yên, an toàn. “Với việc nắm tình hình, chủ động từ sớm, từ xa, lực lượng Công an đã ngăn chặn, không để xảy ra điểm nóng gây mất ANTT từ cơ sở. Từ đó, góp phần duy trì đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế du lịch của thành phố”, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng nhấn mạnh. Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng là một trong số các địa phương kiểm soát được tình hình TTATGT với việc kiềm chế, giảm sâu các tiêu chí số vụ, số người chết và người bị thương. Việc kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đúng quy định là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Công Khanh |