Lạ như chợ Đồng Văn
(Cadn.com.vn) - Du lịch đến Hà Giang, nói đến đi chợ Đồng Văn, hẳn nhiều người cho rằng chắc chắn không phải để ăn, để mua sắm mà là đi để biết những cái lạ của chợ Đồng Văn. Bởi miền đất với con đường đèo dựa vào núi này đến núi nọ tạo cảm giác mênh mông ấy, khi đi còn được mọi người khuyến cáo là nếu có thể thì mang theo bánh kẹo để cho bọn trẻ ở những nơi mình đi qua. Nhưng phàm đã đi du lịch là phải nếm của ngon vật lạ ở nơi chốn đó, và phải mua đặc sản ở nơi đó cho bằng được. Và đúng là lạ như ra chợ Đồng Văn...
Theo thống kê thì toàn thị trấn Đồng Văn có khoảng 6.000 người và tính ra có 196 người/ 1km2. Đồng Văn cũng là thị trấn mới mẻ được thành lập vào năm 2008. Với dân số như thế và địa thế xa xôi hiểm trở thì chắc chắn việc buôn bán trông chờ vào khách du lịch là chính. Tuy nhiên, mỗi tuần khách du lịch cũng chỉ "ồn ào" đúng vào ngày chủ nhật nếu mưa thuận gió hòa. Khi đó vài ngàn khách chen chân ở cái khu phố cổ mon men khoảng 2 ngàn dân làm rộn ràng chốc lát, sáng hôm sau lại trả lại cho nơi này vẻ cô tịch vốn dĩ. Đồng Văn không có hàng trà đá, chẳng có hàng trà nóng và ống thuốc lào, kẹo lạc như vẫn thường thấy ở các tỉnh ngoài Bắc (trong khi Sa Pa vẫn có). Điều khá bất ngờ là tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy xe bánh mì. Vì vậy, nửa đêm đói bụng thôi đành đợi đến sáng mai. Hàng ăn buổi sáng có dăm quán nho nhỏ sát chợ. Khách có ba sự chọn lựa: Phở, cháo với trứng vịt lộn hoặc là xôi 7 màu và xôi thường. Thỉnh thoảng có thêm bánh giò gói theo kiểu ở xuôi.
Những sản vật núi rừng được bày bán ở chợ Đồng Văn. |
Mọi người nói rằng những người buôn bán ở Đồng Văn rất không thích làm giàu. Họ chỉ bán với số lượng hàng mà họ có và bán theo giờ giấc họ quy định, khách đông họ không thích. Thậm chí, khách du lịch đến quá đông, không đặt cơm trước thì phải xếp hàng chợ để được ăn. Món ăn theo cách nấu ở đây thì gia vị chủ yếu là muối, ít nêm bột ngọt. Một món ăn đặc biệt ở Đồng Văn là món mầm bắp nấu. Vì nơi đây là xứ sở của cây bắp, cho nên hạt bắp được ngâm cho lên mầm rồi đem nấu với thịt heo. Gia vị dọn lên bàn rất đơn giản là muối tiêu hoặc muối ớt chanh, không có các món nước chấm cầu kỳ như miền xuôi. Món tương đối hấp dẫn chính là món heo cắp nách quay với lửa than. Người Đồng Văn không uống cà-phê mà chủ yếu uống nước nấu từ lá rừng.
Vì thế cả phố cổ có ba quán cà-phê, chỉ đông đúc khi có khách du lịch nhưng giá khá cao, uống trà thì tính thêm tiền. Đến chuyện các khu du lịch. Trong các điểm đến ấy thường bán hàng lưu niệm phục vụ là chính, chẳng hạn như ở Nhà vua Mèo. Còn thức ăn thức uống do các cô gái bày bán ở góc chợ Lùi, vẫn chủ yếu phục vụ du khách. Khách du lịch đa phần đói bụng vì ăn uống dẫu đủ món nhưng không hợp khẩu vị nên hay bỏ cơm. Thế là ngay tại đây có mấy chiếc chảo dầu chiên bán hai loại bánh là bánh lá gai và bánh chuối giá 3 ngàn đồng/chiếc. Tại cột cờ Lũng Cú lại chỉ có một điểm bán cơm trưa, các đoàn phải xếp thứ tự để tới lượt. Nhiều người la cà ngoài quán chờ đợi, uống nước nhân trần, ăn bánh chuối chiên và trứng gà luộc...
Vui nhất là đi chợ phiên Đồng Văn chỉ diễn ra ngày chủ nhật, rất đông khách du lịch. Độc đáo chợ phiên Đồng Văn là ở chỗ bán hàng không nói thách và toàn hàng... độc: cây lá, rễ cây trị đủ bệnh, quýt, lựu, cà chua, dưa leo, cải bắp, ổi rừng, măng trúc, trái rừng như quả óc chó, ớt bé tẹo nhưng cắn một cái là cay tận mũi. Thích thú là người bán chẳng mời, người mua cứ hỏi giá mà mua... Đi mỏi chân thì tới hàng ăn, món ăn độc nhất là thắng cố. Sạp hàng gỗ cũ kỹ, cái chảo nấu cũng cũ kỹ, cứ một tô 20 ngàn đồng. Không gia vị nêm nếm, không ớt, không rau...
Đồng Văn ấy là một chốn xa, đâu mấy người có thể dẫm dấu chân mình giữa đất trời bao la. Trong cuộc hành trình, kể chuyện ăn uống gọi là làm quà cho cuộc rong chơi.
Khuê Việt Trường