Lại giở trò vu cáo, bôi nhọ từ vụ án liên quan ông Lưu Bình Nhưỡng

Thứ hai, 27/11/2023 22:37
Thông tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản” được các cơ quan báo chí đưa khách quan, kịp thời. Tuy nhiên, các thế lực chống phá đã cố tình đánh tráo bản chất vụ án, định hướng dư luận theo hướng tiêu cực, biến một vụ án hình sự được điều tra như một vụ “tấn công” mang màu sắc khác.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình, ngày 14/11/2023, ông Lưu Bình Nhưỡng (nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là đại biểu Quốc hội Khóa XIV, được biết đến là người hay có những phát biểu tranh luận tại nghị trường, đặc biệt liên quan đến các vấn đề “nóng” của xã hội. Nhiều phát biểu trong đó đã bị số đối tượng chống đối lợi dụng bôi nhọ cơ quan Đảng, Nhà nước, trở thành “chất liệu” chống phá. Đặc biệt, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng từng có những phát biểu trước Quốc hội về đạo đức, công lý và những thế lực xấu đã lợi dụng tung hô, lấy cớ xuyên tạc.

Vì vậy không ngạc nhiên khi tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, lập tức các đối tượng chống đối, phản động đã lợi dụng vu cáo.

Công an đọc lệnh bắt ông Lưu Bình Nhưỡng.
Công an đọc lệnh bắt ông Lưu Bình Nhưỡng.

Tổ chức khủng bố Việt Tân cho rằng, vì ông Lưu Bình Nhưỡng hay nói động chạm đến các vấn đề xã hội, động chạm cả đến cơ quan tiến hành tố tụng mà dẫn tới bị xử lý hình sự. Chúng còn thần thánh hóa rằng, với việc ông Nhưỡng bị bắt, dân mất chỗ dựa, mất nơi “gửi đơn kêu oan”! Có thể nói, đây là luận điệu kích động, xuyên tạc thường thấy của các thế lực xấu nhằm đánh tráo bản chất vấn đề.

Vụ án mà cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đang điều tra không phải là điều tra trực tiếp, từ đầu đối với ông Lưu Bình Nhưỡng. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, thường gọi là Cường "quắt", trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 170, Bộ luật Hình sự. Trước đó ngày 17/5/2023, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Minh Cường về tội danh trên.

Theo tài liệu điều tra, khi biết thông tin một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép cho khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Cường cùng đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều nhằm gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được, hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường. Cơ quan điều tra nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền chiếm đoạt lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh. Công an tỉnh Thái Bình đã mở rộng điều tra vụ án, tập trung làm rõ các đối tượng có hành vi tiếp tay, giúp sức cho bị can thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, vào năm 2022, Cường "quắt" từng bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố và bắt giam về tội “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng”.

Quá trình bắt, khám xét đối với bị can Lưu Bình Nhưỡng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cũng đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án. Với các tài liệu có liên quan đến vụ án thu được, việc ông Nhưỡng bị bắt, khởi tố để điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường là đảm bảo đúng quy trình tố tụng. Tính chất, mức độ vi phạm, sự liên quan của bị can Lưu Bình Nhưỡng trong vụ án “Cường quắt” như thế nào, hành vi cưỡng đoạt tài sản ra sao, cơ quan CSĐT đang tiếp tục làm rõ và sẽ có kết luận cụ thể.

Tại cuộc họp báo mới đây, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, vụ ông Lưu Bình Nhưỡng chưa thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, xem xét. Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thẩm quyền. Ông Nguyễn Văn Yên cho biết, đối với trường hợp của ông Lưu Bình Nhưỡng, là người có nhiều ý kiến đóng góp ở các diễn đàn, những đóng góp tốt của ông Lưu Bình Nhưỡng chúng ta cần ghi nhận nhưng những vi phạm của ông Nhưỡng cũng phải xử lý nghiêm.

“Khi các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý thì phải có căn cứ. Pháp luật của chúng ta rất chặt chẽ, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự. Vì vậy, để quyết định khởi tố một vụ án, một bị can, đặc biệt là áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam là đã đầy đủ tài liệu, chứng cứ. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hết sức chặt chẽ, không một cơ quan nào có thể tự ý thực hiện. Toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra được VKSND cùng cấp kiểm sát trực tiếp, toàn diện và chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn” – ông Nguyễn Văn Yên nêu rõ. Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, khi người dân chưa hiểu thì có thể còn băn khoăn nhưng hãy tin vào kết quả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Việc một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động cố tình đánh tráo bản chất vụ án liên quan ông Lưu Bình Nhưỡng là thủ đoạn không mới. Các đối tượng cố tình định hướng dư luận theo hướng tiêu cực, biến một vụ án hình sự được điều tra như một vụ “tấn công người bảo vệ công lý”, miệt thị rằng “sống dưới chế độ độc tài cộng sản thì không có quyền cất lên tiếng nói tự do ngôn luận”; “lợi dụng pháp luật để áp tội tùy tiện, trù dập những người khiến họ không hài lòng”… Các đối tượng tung hô cá nhân vi phạm, miệt thị cơ quan tiến hành tố tụng để chống phá, hạ bệ, bôi nhọ hệ thống pháp luật Việt Nam; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền, tiến tới quy kết, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Những luận điệu trên vốn dĩ không phải là thủ đoạn mới bởi từ trước đến nay, lợi dụng nhiều đối tượng bị bắt, các tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, các hãng truyền thông hải ngoại thù địch với Việt Nam như RFA, RFI, VOA… đã đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, cố tình công kích Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng. Do vậy, người dùng mạng xã hội phải thật tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc bởi mạng xã hội là miếng đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phản cách mạng, phần tử cơ hội chính trị sử dụng thực hiện những thủ đoạn xấu chống phá Đảng, Nhà nước.

Qua việc khởi tố ông Lưu Bình Nhưỡng một lần nữa cho thấy việc xử lý vi phạm không có vùng cấm, dù đó là người có chức vụ, quyền hạn hay một người dân bình thường. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ khi tiếp xúc với cử tri rằng, không hay ho gì khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của Đảng, đòi hỏi phải làm nghiêm, xử lý nghiêm. Đây cũng là một bài học đối với các cán bộ, đảng viên có chức quyền dù to hay nhỏ đều phải sống và làm theo pháp luật. Mọi sai phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm, công bằng trước pháp luật, không có ngoại lệ.

Theo CAND