Lại nỗi lo mang tên... thủy điện
(Cadn.com.vn) - Mùa mưa lũ 2014 tại Tây Nguyên đã bắt đầu, người dân lại nơm nớp lo sợ khi thấy trời đổ mưa lớn, khi những mối nguy hại từ thủy điện vẫn đang chờ giải quyết.
Năm 2013 người dân tỉnh Gia Lai chưa hết hoảng hốt sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, H. Đức Cơ) thì cuối năm hàng trăm hộ dân sống dọc sông Ba ở TX An Khê và H. Kong Chro khốn đốn vì việc xả lũ ở thủy điện An Khê – Ka Nak.
Những nỗi lo của người dân sinh sống vùng hạ du vẫn còn hiện hữu khi vấn đề kiểm soát thủy điện xả lũ vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khi mùa mưa đến.
Những hình ảnh tan hoang do trận “lũ thủy điện” từ thủy điện An Khê – Ka Nak tại thị xã An Khê. |
Nỗi lo vẫn còn đó
Cơn bão số 15, người dân TX An Khê hoảng hốt không chỉ vì trận mưa lớn kéo dài mà còn chứng kiến nước từ đập thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ ào ạt khiến con sông Ba hung hãn cuốn phăng mọi hoa màu, gia súc, gia cầm.
Nhiều người dân không kịp thu dọn tài sản mà chỉ kịp rời khỏi nhà chạy lên các nơi khác tránh cơn lũ thủy điện. Cùng với “thiên tai”, “nhân tai” thì tính riêng ở địa bàn TX An Khê đã có hơn 140 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, nhiều tài sản, lương thực, thực phẩm của người dân bị cuốn trôi.
Sau cơn “đại hồng thủy” do thủy điện, việc đền bù thiệt hại cho người dân dù đã hoàn tất thế nhưng hàng trăm hộ dân của H. Kong Chro, TX An Khê sinh sống dọc sông Ba cũng như chính quyền bức xúc chính là cách làm thiếu trách nhiệm của thủy điện An Khê – Ka Nak.
Bởi mùa mưa cuối năm 2013, khi thủy điện xả lũ nhưng không thông báo kịp thời cho địa phương theo quy trình cũng như chính xác lưu lượng xả. Bức xúc hơn nữa là địa phương cũng không nắm được thông tin lưu lượng xả lũ của thủy điện có đúng với thực tế hay không để ứng phó.
Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TX An Khê nói: “Có thể thấy việc xả lũ năm vừa rồi có nhiều bất cập. Thứ nhất, người ta không lập được bản đồ ngập lũ vùng hạ du. Bởi không có bản đồ đó, nếu có xả lũ lớn như vừa rồi ngập chỗ nào thì dân không biết đâu mà chạy. Cái cần thiết nhất đó mà tới bây giờ Ban quản lý thủy điện 7 vẫn chưa làm được. Thứ hai, trong thời gian bão lũ thì thông báo xả lũ rất bất cập, ban chỉ đạo đây không thể nào mà thông tin kịp thời tới xã phường, rồi xã phường thông tin tới dân để biết tình hình”.
Tan hoang do trận “lũ thủy điện” từ thủy điện An Khê – Ka Nak tại TX An Khê. |
Cần sự ráo riết vào cuộc
Không chỉ thế, liên quan đến việc tích nước của thủy điện, ngoài việc “góp phần” lũ lụt vào mùa mưa thì vào mùa khô gây hạn hán trên dòng sông Ba. Thế nên, tại phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Gia Lai khóa X cuối năm 2013 một lần nữa lại nóng về các vấn đề thủy điện.
Lúc đó, ông Ksor Pớ - Chủ tịch HĐND H. Krông Pa bức xúc: “Chỉ tính riêng trên sông Ba đã có 3 cái thủy điện, trên là An Khê – Ka Nak, dưới là thủy điện Hoàng Anh và dưới nữa là thủy điện sông Ba Hạ. Từ khi có thủy điện, lượng nước chảy trên sông Ba qua huyện đã không còn như trước, mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa thì mấy ông thủy điện xả lũ gây ngập trên diện tích lớn”.
Mùa mưa lũ năm 2013 đã có hàng trăm ngôi nhà vùng hạ lưu sông Ba bị ngập lụt, rất nhiều tài sản trôi theo dòng nước bạc, nhiều ruộng lúa, vựa ngô đổ rạp vì bị lũ cuốn. Các địa phương hạ nguồn sông Ba đồng loạt tố cáo thủy điện An Khê – Ka Nak đã xả lũ gây thiệt hại đến nền kinh tế và đời sống của người dân ven sông.
Bởi lẽ, thủy điện thông báo việc xả lũ cho các cơ quan phòng chống bão lụt cũng như UBND huyện chậm trễ khiến địa phương không ứng phó kịp thời. Ông Trần Biểu – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H. Kong Chro lo lắng: “Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì sau này những trận mưa lớn thì hậu quả rất nghiêm trọng”.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong Hội thảo “Quản lý bền vững đất và nước ứng phó với hạn hán, lũ lụt, hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với các ngành chức năng của 5 tỉnh Tây Nguyên thì hiện tượng lũ chồng lên lũ (hay còn gọi là lũ nhân tạo) do việc xả lũ từ các thủy điện xuống khu vực hạ lưu được đánh giá là mối nguy hại khôn lường.
Bởi lẽ, việc xả lũ của các thủy điện khiến khu vực hạ lưu bị ngập sâu hơn, đột ngột hơn, thời gian kéo dài hơn và thiệt hại chắc chắn nặng nề hơn. Và việc xả lũ của thủy điện An Khê – Ka Nak cuối năm 2013 khiến hạ lưu ngập nặng là một điển hình.
Nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các công trình thủy điện, trong buổi làm việc mới đây nhất với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, một lần nữa Tỉnh ủy Gia Lai đã tiếp tục có những kiến nghị về vấn đề nhà máy thủy điện An Khê – Ka Nak.
Trong đó, đề nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng trạm quan trắc tại địa điểm chọn đã được thống nhất với UBND TX An Khê tại vị trí tổ dân phố 8 (P. Tây Sơn, TX An Khê) – đây là khu vực dân cư đông đúc bị ngập nặng khi thủy điện xả lũ trong cơn bão số 15 năm 2013.
Đồng thời, khẩn trương lắp đặt hệ thống cột mốc xử lý đập, cảnh báo nước dâng và thuận tiện cho sản xuất sinh hoạt của người dân.
Minh Tân