Lại nóng “cuộc chiến” đất hiếm Trung - Mỹ

Thứ ba, 23/02/2021 17:28

Việc Trung Quốc đang cân nhắc cấm xuất khẩu đất hiếm cho các nước hoặc công ty bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia đang khiến cuộc chiến giữa nước này và nền kinh tế số 1 thế giới Mỹ càng “nóng” lên.

Trung Quốc nắm giữ 80% nguồn cung đất hiếm toàn cầu.   Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin mới đây, chính phủ Trung Quốc đang triển khai đánh giá lại chính sách đất hiếm của mình. Theo đó, dù không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, Trung Quốc vẫn dự phòng kế hoạch này trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang. Bắc Kinh cũng đang cân nhắc cấm xuất khẩu đất hiếm như một phần của các lệnh cấm vận nhằm vào một số Cty, bao gồm Lockheed Martin Corp - bị xem là vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc khi bán vũ khí cho đảo Đài Loan (Trung Quốc). Thông tin này lập tức đẩy giá cổ phiếu của MP Materials, Cty sản xuất đất hiếm duy nhất tại Mỹ, tăng mạnh.

FT dẫn lời những người tham gia cuộc tham vấn chính phủ cho biết, Bắc Kinh đang thăm dò việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản đất hiếm rất quan trọng để sản xuất máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và các loại vũ khí tinh vi khác. Tháng trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này đã đề xuất dự thảo kiểm soát việc sản xuất và xuất khẩu 17 loại khoáng sản đất hiếm ở Trung Quốc, quốc gia nắm giữ khoảng 80% nguồn cung toàn cầu.

Các nhà điều hành ngành này cho biết, các quan chức chính phủ đã hỏi họ rằng, các Cty ở Mỹ và Châu Âu, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng, sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm khi cuộc chiến thương mại leo thang. “Chính phủ muốn biết liệu Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc chế tạo máy bay chiến đấu F-35 hay không nếu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu”, một cố vấn chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết. Các nhà điều hành ngành này nói thêm rằng, Bắc Kinh muốn hiểu rõ hơn về việc Mỹ có thể đảm bảo các nguồn đất hiếm thay thế và tăng năng lực sản xuất của chính mình nhanh như thế nào. Các máy bay chiến đấu như F-35 phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm cho các bộ phận quan trọng như hệ thống điện và nam châm. Một báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội cho biết, mỗi chiếc F-35 cần 417kg vật liệu đất hiếm.

Động thái này của Trung Quốc diễn ra sau khi quan hệ với Mỹ xấu đi và một cuộc chiến công nghệ đang nổi lên giữa hai nước. Dưới thời chính quyền ông Trump, Washington cố gắng gây khó khăn hơn cho các Cty Trung Quốc nhập khẩu công nghệ nhạy cảm của Mỹ, chẳng hạn như chất bán dẫn cao cấp. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đã báo hiệu rằng họ cũng sẽ hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu nhưng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh.

Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố được xem là “vitamin của nền công nghiệp hiện đại” bởi là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc chiết xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô vô cùng khó khăn và tốn kém với chúng không tập trung ở một nơi với hàm lượng đủ lớn để khai thác hiệu quả về kinh tế. Ngoài ra, việc khai thác và xử lý đất hiếm cũng gây tàn phá môi trường nghiêm trọng nên các quốc gia phương Tây thường hạn chế khai thác trong nước.

Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về khai thác đất hiếm, nhóm 17 khoáng sản thường dùng trong xe điện, đồ điện tử và thiết bị quân sự. Trong động thái mới nhất, Bộ Công nghiệp, Bộ Công nghệ thông tin và Bộ Tài nguyên thiên nhiên ra thông báo chung, tăng hạn ngạch khai thác đất hiếm lên 84.000 tấn trong nửa đầu năm nay. Hạn ngạch mới tăng mạnh so với hạn ngạch 66.000 tấn vào cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ trước đến nay. Động thái trên được cho là nhằm giảm lệ thuộc vào nhập khẩu. Dù có thế mạnh về sản xuất đất hiếm nhưng Trung Quốc vẫn nhập khẩu đất hiếm, chủ yếu từ các nước Đông Nam Á, với 47.000 tấn trong năm ngoái, tương đương 1/4 thị trường tại Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh kiểm soát đất hiếm có nguy cơ khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước leo thang. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ động thái gây hấn nào của Trung Quốc có thể phản tác dụng bằng cách thúc đẩy các đối thủ phát triển năng lực sản xuất của riêng họ.

KHẢ ANH