Lãi suất tiết kiệm bất ngờ giảm xuống gần 5%/năm

Thứ năm, 12/06/2014 11:43

(Cadn.com.vn) - Dường như không thể chờ đợi sự “bứt phá” của tín dụng, các ngân hàng đã chủ động giảm đồng loạt lãi suất tiết kiệm để tiết giảm chi phí và “chống lỗ”. Động thái bất đắt dĩ này đã cho thấy tình trạng thừa tiền trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

LÃI SUẤT KỲ HẠN 1 THÁNG CÒN 5,1%/NĂM!

Ngày 9-6, lãi suất niêm yết của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ giảm từ 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn gửi ngắn. Nếu trước đây, mức lãi suất tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,3%/năm, nay chỉ còn 5,1%/năm, giảm - 0,2%/năm.

Kỳ hạn 3 tháng giảm nhẹ - 0,1%/năm, từ mức 5,7%/năm về 5,6%/năm. Kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6%/năm về 5,9%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất vẫn được giữ nguyên mức 7%/năm.

Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Đà Nẵng (BIDV) cũng áp dụng lãi suất tiết kiệm thấp ở các kỳ hạn ngắn nhưng vẫn cao hơn Vietcombank. Kỳ hạn 1 tháng với mức 5,25%/năm, 2 tháng 5,5%/năm và 3 tháng là 5,75%/năm. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng, BIDV giữ mức 6%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng lên đến 7,35%/năm.

Trong xu thế giảm lãi suất đó, Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đà Nẵng (Vietinbank) cũng vừa hạ lãi suất huy động tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng giảm xuống 5%/năm, 2 tháng còn 5,5%/năm, 3 tháng ở mức 5,9%/năm.

Kỳ hạn 6 và 9 tháng, ngân hàng này giữ mức như BIDV là 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 7%/năm. Các ngân hàng cổ phần khác cũng đang cân đối tiếp tục hạ lãi suất huy động theo mặt bằng chung.

Như vậy, với mức lãi suất như hiện nay, Vietcombank đang là ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm xuống thấp nhất so với một số ngân hàng khác. Trao đổi với một khách hàng tiền gửi truyền thống, chị M.D (Q. Hải Châu - Đà Nẵng) cho biết, với số tiền 1 tỷ đồng (gửi kỳ hạn 1 tháng) chị đã “hụt” mất gần 170.000 đồng/tháng so với trước đây.

Tuy nhiên, cho dù lãi suất tiết kiệm khá thấp với các kỳ hạn ngắn nhưng đa số các khách hàng vẫn tiếp tục gửi vào ngân hàng vì cơ hội đầu tư hiện nay ít hoặc không có nhiều. Để hạn chế rủi ro, một số khách hàng bắt đầu tập trung gửi tiền vào các kỳ hạn 12, 13 hoặc 24 tháng để hưởng lãi suất cao hơn với mức từ 7%/năm đến 7,5%/năm.

Vietcombank đã bất ngờ giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn gửi ngắn. Trong ảnh: Tại một điểm giao dịch của Vietcombank.

VÌ SAO LÃI SUẤT TIẾT KIỆM GIẢM?

Tín dụng tăng trưởng thấp, nguồn vốn “dôi thừa” cùng với những diễn biến trên thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây khiến cho giới ngân hàng dự đoán, lãi suất có khả năng “rơi” xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 4 tháng đầu năm mới đạt 0,62%, trong khi đó, huy động vốn tăng trưởng 3,09%. Điều này cho thấy, vốn nhàn rỗi trong xã hội tiếp tục “chảy” vào nhà băng mặc dù các ngân hàng liên tiếp hạ lãi suất huy động từ đầu năm đến nay.

Trước tình trạng không tìm được hướng đi đột phát cho tín dụng, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất “đầu vào” để tiết giảm chi phí, đồng thời đây là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại Nhà nước cho biết, các ngân hàng đang huy động rất tốt nhưng tín dụng âm liên tiếp trong nhiều tháng nên vốn bị ế.

Tại một số nhà băng, tỷ lệ vốn cho vay trên vốn huy động khá thấp, khoảng 60%, nguồn vốn còn lại dư thừa, chưa biết đầu tư vào đâu ? Do vậy, giảm lãi suất là một trong các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu chi phí đầu vào, giúp các ngân hàng sử dụng vốn có hiệu quả hơn.

Việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất đầu vào là tín hiệu tích cực, khởi sắc. Với mức lãi suất tiền gửi khoảng 5%/năm, lạm phát được kiểm soát, lãi suất cho vay từ 7 % - 10% sẽ kích thích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhiều hơn.

Một vấn đề được đặt ra, với đợt giảm lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại như vậy, liệu rằng, tiền có “chảy” sang kênh đầu tư khác ? Nhận định về diễn biến này, TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia) cho biết, nếu tiền từ kênh ngân hàng chảy sang các kênh khác như bất động sản, doanh nghiệp chuyển sang huy động vốn từ kênh chứng khoán hoặc dùng tiền gửi ngân hàng rút ra đầu tư cho sản xuất, kinh doanh là rất tốt. Và đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế khi tình trạng nguồn vốn đã bị “đóng băng” quá lâu trong các nhà băng.

Văn Khoa