Lại xuất hiện thủ đoạn mạo danh cơ quan điều tra để lừa đảo

Thứ tư, 23/06/2021 06:47

Ngày 22-6, một đồng nghiệp của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng từ Hà Nội đã gọi điện đề nghị trao đổi, cung cấp thông tin, làm rõ những đối tượng có hành vi mạo danh cơ quan Công an TP Đà Nẵng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Văn bản giả mạo mà các đối tượng lừa đảo gửi qua mạng xã hội cho anh T.H.P

Cụ thể, anh T.H.P là phóng viên của một cơ quan báo chí vừa từ nước ngoài về nước đang thực hiện cách ly y tế theo quy định. Sáng 22-6, anh nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ điều tra Công an TP Đà Nẵng thông báo về: “Lệnh bắt bị can để tạm giam” do liên quan đến một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng). Cùng với đó, người này cũng thông báo quyết định ban hành quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự do “Kiểm sát viên cao cấp” Lê Đức Xuân ký. 

Do đã từng đọc báo về hình thức lừa đảo này, lại có kinh nghiệm trong công việc nên anh T.H.P cố gắng giao tiếp để khai thác thông tin từ các đối tượng. Khi thấy “con mồi” còn bán tín bán nghi, đối tượng lừa đảo bắt đầu tạo hiện trường giả từ đầu dây với các thao tác như sao lục hồ sơ, trình ký văn bản, trao đổi công việc trong hoạt động điều tra, tố tụng... trong cơ quan làm việc. Thậm chí người này còn gọi Zalo để anh thấy hình ảnh có người mặc trang phục cơ quan công an, cầm hồ sơ gõ cửa lãnh đạo để ký duyệt giấy tờ. Tuy nhiên những hình ảnh này lại diễn ra rất nhanh để “con mồi” không kịp quan sát cụ thể. Sau khi xác minh các thông tin về nhân thân, đối tượng xưng là trung úy P.H.N, đang công tác tại Đội Điều tra Công an TP Đà Nẵng yêu cầu anh T.H.P cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng để hoàn chỉnh hồ sơ. Đến lúc đối tượng đề cập đến chuyện tiền bạc, anh mới chơi bài ngửa là “mời đến cơ quan công an để nhận”. Biết đã gặp phải cạ cứng, “điều tra viên” mới cúp máy chạy... mất dép. 

Theo Công an TP Đà Nẵng, các văn bản triệu tập mà đối tượng lừa đảo gửi qua mạng xã hội đều là giả mạo, con dấu đóng trên văn bản là scan. Đây không phải là thủ đoạn mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mắc lừa và thiệt hại về tài sản.

Mới đây nhất, ngày 8-6, chị Nguyễn T.N.Y. (1997) nhận được cuộc gọi từ số máy 0904.746.1xx. Đầu dây bên kia là một người đàn ông xưng danh là CSGT, thông báo cho chị Y. rằng: “Chị có vi phạm Luật GTĐB, liên quan đến một chiếc xe ô-tô”. Trong lúc chị còn hoảng hốt chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cố tình giải thích thì cuộc gọi gián đoạn. Ngay sau đó, một số máy khác - 8832363822300 gọi cho chị Y. xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông tin rằng đang điều tra một vụ án có liên quan đến chị và muốn xác nhận cụ thể một số thông tin về chị như: Chứng minh tài sản hiện có và nguồn thu nhập, nguồn gốc tài sản cá nhân có liên quan. Nếu nạn nhân không hợp tác sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Biết nạn nhân bắt đầu hoang mang, đối tượng tiếp tục gửi cho chị Y. một đường link, yêu cầu chị Y. đăng nhập vào và soạn tin với nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 8049 để tra cứu. Từ khi kết thúc cuộc gọi đến chiều tối cùng ngày, tài khoản Techcombank của chị Y. liên tục bị trừ tổng cộng 837 triệu đồng. 

Trước đó, vào cuối tháng 5-2021, anh P.V.N (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhận được cuộc điện thoại từ số “+88276353806” tự xưng là cán bộ của Cục CSGT đang thụ lý vụ việc anh gây tai nạn rồi bỏ trốn. Người này sau đó yêu cầu anh N. chuyển khoản 24 triệu đồng tiền phạt vào tài khoản của cơ quan điều tra để chờ xử lý vụ việc, nếu không sẽ bị khởi tố. Nghi ngờ đây là hình thức lừa đảo, anh N. liên lạc ngay với cơ quan Công an, cụ thể là CSGT, mới vỡ lẽ, anh đã bị đối tượng xấu hù dọa hòng trục lợi. 

Về thủ đoạn lừa đảo “phạt nguội”, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, hệ thống camera giám sát giao thông sau khi ghi nhận hành vi vi phạm và gửi về trung tâm điều khiển của Phòng CSGT sẽ được bộ phận xử lý in và gửi tất cả thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ phương tiện. Người vi phạm cũng có thể tra cứu thông tin phạt nguội trên hệ thống của Công an TP hoặc Cục CSGT. Hoàn toàn không có các hình thức xử lý như các vụ việc mà người dân đã mắc phải. 

Cũng theo Công an TP Đà Nẵng, tất cả các giấy triệu tập và lệnh bắt đều được đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ máy tính làm scan, và quy trình gửi giấy triệu tập hoàn toàn sai so với quy định pháp luật. Các đối tượng lừa đảo dưới hình thức này đã chuẩn bị rất kỹ, nhất là việc sử dụng ngôn ngữ điều tra của CA, sau đó tạo bối cảnh gọi báo Tổng đài của ngành CA để thông tin về vụ việc. Cũng có những vụ việc đối tượng biết rất rõ những vi phạm của người mà chúng liên hệ, như có liên quan đến mua bán ma túy, rửa tiền hoặc vi phạm pháp luật khác để hù dọa. Khi đã nắm được tâm lý lo lắng từ người nhận điện thoại, các đối tượng yêu cầu họ tạm thời chuyển ngay một số tiền vào tài khoản của chúng được mạo danh là do cơ quan điều tra ủy quyền để thẩm tra. Thậm chí, đối tượng còn đe dọa, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giữ, xử lý.

Từ vụ việc mới nhất, Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước các thủ đoạn lừa đảo để tránh thiệt hại tài sản. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của hình thức lừa đảo này là dù văn bản giấy tờ đều làm theo mẫu nhưng con dấu lại scan. Đặc biệt, cơ quan Công an không bao giờ làm việc, thông tin, gửi văn bản qua mạng xã hội. Khi nhận được các cuộc gọi với những thủ đoạn tương tự, người dân cần tỉnh táo ghi lại các thông tin và nhanh chóng báo cho cơ quan Công an.

ĐÔNG A