Làm báo nay đã khác trước...
1. Năm 1987, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, tôi bắt đầu bước chân vào nghề báo. Khóa nghiệp vụ đầu tiên tôi theo học là tại báo Tuổi Trẻ, bấy giờ trụ sở còn nằm trên đường Lý Chính Thắng. Báo mở lớp bồi dưỡng các nhà báo trẻ, cộng tác viên. Học vào mỗi chiều hai, tư, sáu diễn ra đâu chừng vài tháng. Bấy giờ, các cây bút lẫy lừng của nhiều cơ quan báo chí thay phiên nhau lên lớp, chúng tôi lắng nghe, trao đổi, ghi chép. Đại khái, cách học là vậy.
Tác giả (phải) trong một lần tiếp cận nhạc sĩ Văn Cao. |
Tôi vẫn còn nhớ như in về một nhà báo đi trước, ông kể lại câu chuyện khá ấn tượng. Rằng, tháng ngày còn làm báo ở miền Bắc ngay sau năm 1954, có lần ông đi cơ sở viết bài phản ánh về tình hình hợp tác xã ở huyện nọ tỉnh kia. Khi đến nơi, do thấy ông trẻ quá nên ban chủ nhiệm có ý lơ là, tiếp đón không nồng nhiệt, cung cấp thông tin chỉ nhát gừng. Bực quá, ông về "méc" lại tổng biên tập. Cuối cùng thế nào? Ông kể, tổng biên tập quyết định trong vòng ba tháng, không tuyên truyền cho hợp tác xã đó trên báo. Chi tiết này, ta thấy gì? Bấy giờ vai trò của báo chí có sức lan tỏa ghê gớm, dù làm tốt bao nhiêu nhưng nếu nhà báo không đưa tin phản ánh thì làm sao ai biết đến? Thiệt thòi lắm chứ?
Đến khi tôi vào nghề báo, nói thật vẫn thời "vàng son". Còn nhớ thời bấy giờ hễ diễn ra các cuộc họp báo, dù có báo nào thì có nhưng ban tổ chức thường ngong ngóng chờ sự có mặt của hai cơ quan thông tấn: phóng viên đài truyền hình và phóng viên thuộc cơ quan tỉnh ủy, thành ủy địa phương đó. Đơn giản do nhiều người xem màn ảnh nhỏ mà được phát sóng trên đó... đâu có dễ; và được lên báo Đảng bộ cấp tỉnh, cấp thành phố cũng là một mơ ước chính đáng.
Còn nhớ, khi tôi ra miền Bắc dự các cuộc khai mạc, họp báo nọ kia thì trong phần quà, có gì thì có nhưng thường có thêm tờ báo Nhân dân hoặc Quân đội nhân dân- đó là số báo in bài tuyên truyền về đơn vị đó. Và lúc đó, dù có sự tham dự rầm rộ của nhiều báo nhưng không thể thiếu đài truyền hình và báo Đảng. Tựu trung thời ấy, hai cơ quan báo chí này vẫn là sự ưu tiên trong lựa chọn hàng đầu của nhiều người, nhiều đơn vị kinh tế, văn hóa...
Thời buổi này, thế nào?
Khó có thể kết luận, nếu không có cuộc thăm dò bạn đọc từ nhiều hướng lẫn cơ quan báo chí.
2. Tuy nhiên, tôi biết chắc là cách làm báo hiện nay đã khác trước. Và nhớ lại một kỷ niệm khó quên, lúc tôi ra Huế phản ánh về sự kiện Festival. Không nhớ rõ năm nào, nhưng nhớ rõ là bấy giờ vi tính vừa xuất hiện tại Việt Nam, ban tổ chức chu đáo sắp xếp căn phòng có máy móc dành cho anh em phóng viên thao tác nghiệp vụ. Khi tôi đi lấy tin về, chuẩn bị viết bài thì nơi ấy đã đông nghẹt đồng nghiệp. Làm sao để viết, gửi bài về tòa soạn dù đã khuya? Nhắc lại một chi tiết dù "nhỏ như con thỏ", để thấy rằng hiện nay đã... một trời một vực trong thao tác nghiêp vụ.
Khi nhà báo ngồi trước máy vi tính, cả một thế giới thông tin đang mở ra trước mắt. Được trang bị tận răng. Không thiếu một thứ gì. Cần là có. Chỉ cần một cú nhấp chuột là xong, Khỏe re. Thế nhưng, đừng giận khi tôi nói thật rằng, có lẽ nhà báo hiện nay không phải ai cũng siêng năng gõ phím, chịu khó đầu tư suy nghĩ viết bài một cách chỉn chu để bài viết đạt chất lượng tốt phục vụ bạn đọc. Cái bệnh lười này, xuất hiện từ bao giờ, tôi không rõ chỉ nhớ đến một hai kỷ niệm đã qua.
Lâu lắm rồi, có anh bạn là giám đốc của nhà xuất bản nọ trong lúc trà dư tửu hậu, anh cà khịa: "Chứ tôi đố ông, công thức viết báo của nhà báo hiện nay là gì?". Nghe câu hỏi nghiêm túc này, tôi trả lời bằng cách vận dụng kiến thức từ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đã học tại báo Tuổi Trẻ thời mới chân ướt chân ráo vào nghề, rồi liên hệ đến giáo trình đào tạo cử nhân báo chí do Hội Nhà báo TPHCM tổ chức mà tôi được theo học; chưa hết, tôi còn đưa ra những kiến thức mới thu thập từ sách báo trong và ngoài nước v.v. Những tưởng bạn sẽ gật gù khâm phục, nào ngờ, anh ta quả quyết như đinh đóng cột, buông một câu lạnh lùng như tát nước vào mặt: "Ông nói trật lất. Này nhá, công thức hiện nay của nhà báo là copy-paste. Rõ chưa?".
Tôi giật mình. Bạn đọc tinh lắm. Họ biết tất. Thì đấy, cứ vào các trang điện tử mà xem, cách đưa tin về sự kiện nào đó có khác gì nhau? Có khác chăng là chỉ đảo ngược thứ tự mà thôi. Bài nào cũng ná ná. Từ cái gọi là "Thông cáo báo chí" do ban tổ chức cung cấp, anh em nhà mình cứ việc... Nhanh và gọn. Khỏe và lẹ. Không mất công mất sức gì sất.
Thậm chí ngay cả hình ảnh, họ cũng cung cấp nốt. Vì thế các bài báo này như anh em sinh đôi, sinh năm sinh mười, không khác gì nhau là vậy.
Lại thêm một kỷ niệm nữa, ngày nọ một ca sĩ nổi tiếng như cồn gặp tôi và nói: "Đố huynh, nhà báo các huynh hiện nay quan tâm đến vấn đề gì nhất?". Khi nghe "các huynh", tôi hiểu là cậu ta hỏi về lãnh vực văn hóa nghệ thuật, vì từ lúc vào nghề đến khi nghỉ hưu, tôi chỉ viết mảng này. Bằng tất cả sự khiêm tốn vốn có và... hơi bị thông minh, tôi bèn nói một hơi về những vấn đề thuộc nguyên tắc, quy định của Luật Báo chí v.v. và v.v... Hỡi ôi, cũng như câu đố trước, lần này, chàng ca sĩ liền xá tay: "Em vái cụ. Cụ nói trật lấc".
Thế câu trả lời đúng là gì?
Qua tâm tình tôi mới nhận ra sự bẽ bàng, rằng, khi được mời đến tham dự họp báo ra album mới, ca khúc mới thay vì hỏi về nghệ thuật có gì sáng tạo, hòa âm phối khí ra sao, thể hiện ở cung bậc tình cảm nào v.v... thì đa phần anh em báo chí lại xoáy quanh vào chuyện khác. Chuyện gì? Xin thưa, đại khái là đưa ra các câu hỏi quan trọng cỡ như: mối quan hệ tình cảm giữa anh và cô người mẫu X giờ ra sao? Người tình cũ đã đi lấy chồng, anh có ý định tự tử không? Có bao giờ anh được vợ cắm sừng chưa, cảm giác anh thế nào v.v. và v.v...
Nói đi cũng phải nói lại. Sau này, tôi có tìm hiểu thêm thì biết sở dĩ xảy ra tình trạng lảm nhảm, "dở hơi biết bơi" một phần còn do nhuận bút của các trang điện tử quá thấp, không đủ ăn sáng, uống ly cà-phê vỉa hè, lại còn do áp lực câu view nên buộc lòng anh em nhà báo phải làm thế. Thời đã thế, thế thời phải thế. Buồn ghê.
3. Thử hỏi, có phải hiện nay báo chí đã không còn bạn đọc quan tâm như trước? Tôi không dám có câu trả lời. Chỉ đau đáu nghĩ rằng, bất kỳ thời buổi nào, độc giả cũng quan tâm đến báo chí, đó một trong những kênh thông tin quan trọng không thể không cập nhật mỗi ngày. Có điều, vấn đề then chốt nhất, có tính quyết định nhất vẫn là tờ báo đó đề cập đến vấn đề gì, nhà báo đó viết như thế nào? Nếu không, báo có phát không, miễn phí thì cũng chẳng ai buồn ghé mắt đến. Nói như thế vì hiện nay, người đọc có quá nhiều phương thức để lựa chọn, tìm đến thông tin từ nhiều kênh khác nhau.
Vậy, đổi mới thế nào? Tôi nào dám lộng ngôn, chỉ nghĩ rằng ngày 21-6, không phải là dịp chúng ta ngồi lại "kể công" - mà ý nghĩa đích thực nhất, vẫn là lúc tự kiểm, tự vấn một cách nghiêm túc để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà bạn đọc đã cậy, gửi gắm niềm tin. Hơn bao giờ hết, tình hình sắp xếp lại báo chí hiện nay đang là cơ hội thiết thực để mỗi chúng ta tự nhìn lại mình.
LÊ MINH QUỐC