Làm báo “phong trào”

Thứ sáu, 21/06/2024 10:00

Mãi đến năm 1988 tôi mới sống hẳn với nghề làm báo, mới có thẻ nhà báo và trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhưng trước đó 23 năm, ngay từ năm 1965, khi còn là học sinh lớp Đệ Nhất (lớp 12) của Trường Quốc học Huế, tôi đã chính thức lao vào việc viết báo, làm báo. Không kể những tờ báo học trò viết tay trước đó, năm 1965, trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh (TNSVHS) ở các đô thị miền Nam Việt Nam, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện tờ báo Vượt Sóng của Lực lượng TNSVHS Tranh thủ Hòa bình tỉnh Quảng Nam, tại Hội An.

Tần Hoài Dạ Vũ, phút thư giãn được đồng nghiệp ghi lại.
Chân dung Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn) qua nét cọ của CHÓE.

Vượt Sóng là tờ báo có khổ nhỏ bằng nửa tờ nhật báo lúc bấy giờ (khoảng 25 x 30cm), xuất hiện đều đặn ba ngày một lần. Báo được in typo đàng hoàng tại nhà in Nam Ngãi, Hội An. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Nam Ngãi Hội An là chi nhánh của nhà in Nam Ngãi Tam Kỳ, với một ông chủ nhà in nhân hậu, hào hiệp, chẳng những giúp đỡ cho lớp sinh viên - học sinh làm báo tranh đấu, mà còn hết lòng ủng hộ những người trẻ tuổi nhiệt huyết ấy. Và phải chăng là một cái duyên tri ngộ, khi năm 1965 tôi được anh em thợ in của Nam Ngãi Hội An dạy cách sắp chữ, mi trang trong nghề in typo với chữ đúc chì lúc bấy giờ, thì sau đó, vào năm 1970, khi đã là một thầy giáo dạy Văn ở trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, tôi lại cùng các em học sinh in tập san Chân Dung tại nhà in Nam Ngãi Tam Kỳ.

Nói về những tờ báo đấu tranh của phong trào TNSVHS ở các đô thị miền Nam trước năm 1975, không thể không nói đến sự xuất hiện của các thi văn đoàn trong học sinh và các nhóm sáng tác trong sinh viên ở khắp các trường Trung học và Đại học trên toàn miền Nam, là một hiện tượng đặc biệt. Đặc biệt cả về nguyên nhân hình thành, về hình thức tổ chức và cả về tính chất tiến bộ - yêu nước của các nhóm bạn trẻ này.

Tần Hoài Dạ Vũ, phút thư giãn được đồng nghiệp ghi lại.

Ngày 15-3-1966, cuộc đấu tranh của TNSVHS Huế bùng nổ dữ dội. Lực lượng phát hành tờ báo Tranh Thủ, cũng cỡ nửa tờ nhật báo, cứ hai ngày ra một số. Báo được in typo đàng hoàng ở nhà in Nguyễn Đình Hưởng, đường Bạch Đằng, Huế. Ban đầu, tôi chỉ tham gia viết bài, nhưng sau 8 số báo đầu tiên, người phụ trách chính của tờ báo là ông Hoàng Văn Giàu, một phụ giảng (assistant) của Đại học Văn khoa Huế, Khi được điều lên làm thư ký riêng cho Thượng tọa Thích Trí Quang tại chùa Từ Đàm, ông Giàu giao việc phụ trách tờ báo lại cho anh Huỳnh Văn Chênh, một sinh viên Phật tử. Anh Chênh là một người hiền lành, không chuyên về báo chí, nên mọi bài vở anh đều giao cho tôi lo liệu. Chính đây là khoảng thời gian tôi học được nghề làm báo một cách đầy đủ, thực tiễn và có kết quả nhất. Nhiều khi, các bài báo quá dài, mi trang không lọt, tôi phải ngồi ngay bên cạnh máy in để cắt bớt bài, dù có là bài của bất cứ ai. Được cái là anh em công nhân nhà in rất tận tình, sẵn sàng giúp tôi hoàn thành công việc, và chưa bao giờ báo ra không đúng kỳ. Để tỏ lòng biết ơn, tôi thường mang chuối, bánh kẹo đến tặng anh em công nhân nhà in. Các món quà này là của các chị, các mẹ tiểu thương chợ Đông Ba đem tặng lực lượng TNSVHS tranh đấu, chất đầy cả một phòng của trụ sở lực lượng tranh đấu, tại số 155 Trần Hưng Đạo, ở đầu phía Bắc cầu Trường Tiền.

Báo Tranh Thủ ra được 40 số thì ba Tiểu đoàn Lôi hổ và Thủy quân Lục chiến của quân đội Sài Gòn tấn công Huế, dẹp hết bàn thờ ngoài đường phố, bắt bớ các sinh viên - học sinh tham gia phong trào tranh đấu. Tôi trốn về ở nhà của một người bạn thời Quốc học, tại làng Nghĩa Lộ, huyện Quảng Điền, bên phá Tam Giang.

Mùa hè năm 1968, 4 thành viên của nhóm Việt là Trần Duy Phiên, Trần Văn Hòa, Trần Minh Thảo, Nguyễn Văn Bổn, trong một cuộc họp ở tầng hai Thư viện Đại học Huế, đã đi tới quyết định cho ra đời tạp chí Việt, tháng 8-1968.

Việt in khổ 20 x 27cm (trừ số ra mắt in khổ 20 x 25cm) số lượng trang xê dịch từ 100 đến 136 trang, bìa in typo, ruột in roméo, trình bày đơn giản và trang nhã. Bên dưới chữ VIỆT in đậm, với cỡ chữ lớn, có dòng chữ “Tờ báo vận động văn học nghệ thuật về nguồn”. Hai từ “Về nguồn” được giải thích rõ ở trang bìa 4 của Việt số 2: “Chúng tôi hô hào về nguồn bởi vì dân tộc đang bị đe dọa trước đủ thứ tai ương, có nguy cơ hủy diệt giống nòi. Và chúng tôi gọi là về nguồn, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, bởi vì thấy rằng văn học nghệ thuật bây giờ đã tách xa yếu tính và chức năng của nó”.

Với một chủ trương như thế, tất nhiên tạp chí Việt chỉ có thể xuất hiện dưới hình thức bán công khai, không có giấy phép xuất bản của chính quyền Sài Gòn. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà trên mẫu bìa tạp chí VIỆT số 1, dùng làm áp phích quảng cáo, dán ở cổng Trường Quốc học và Đồng Khánh, hai ngôi trường nổi tiếng của Huế, một bàn tay nào đó đã “ưu ái” bổ sung ngay sau chữ VIỆT một chữ CỘNG bằng mực đậm nét.

Do nhiều khó khăn, nhất là do sự theo dõi của cảnh sát Huế, Tạp chí VIỆT chỉ ra được 5 số, từ tháng 8-1968 đến tháng 8-1969. Việt số 2 ra tháng 9-1968; Việt số 6 đã chuẩn bị xong bài vở, nhưng mãi mãi không ra được.

Tuy về sau, trong các năm 1973,1974, tôi có giúp một số bạn sinh viên ra các tờ Đất Mới, Thái Hòa, và cùng với Chi bộ Giáo chức thành phố Huế, dưới danh nghĩa Trung tâm Liễu Quán của Phật giáo tại Huế, xuất bản tập san nghiên cứu Văn Sử, nhưng chỉ có thời làm tạp chí Việt là tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.

TẦN HOÀI DẠ VŨ