Lâm Đồng: Mưa lớn, sạt lở đất khiến 1 nữ giáo viên tử vong
Vụ sạt lở đất vùi lấp nhà xảy ra khoảng 4h sáng 15/7 tại thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), làm 1 người tử vong.
Thông tin được biết, thời điểm trên, người đi đường phát hiện tại căn nhà của ông Đ.Q.L. (có 4 người, gần khu ngã ba Huế, xã Đạ K’Nàng) bị lở đất vùi lấp một phần căn nhà. Ngay sau đó, người dân trong khu vực phối hợp cùng chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang lập tức triển khai công tác cứu hộ.
Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng (thuộc Quân khu 7), gần khu vực xảy ra vụ sạt lở cũng huy động khoảng 45 CBCS cùng xe cứu thương đến hiện trường tham gia công tác cứu hộ.
Do lượng đất đá vùi lấp lớn đã khiến bà N.T.T. (vợ ông L., là giáo viên trên địa bàn) tử vong tại chỗ, lực lượng cứu hộ kịp thời đưa ba người còn lại (gồm ông L. cùng 2 con trai 10 và 13 tuổi) trong gia đình sơ tán an toàn.
Theo lãnh đạo huyện Đam Rông, ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo của huyện đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở.
“Công trình bị đất sạt lở vùi lấp đã xây dựng và sử dụng ổn định hơn 10 năm nay. Trước mắt, các lực lượng vẫn đang hỗ trợ gia đình nạn nhân dọn dẹp hiện trường, tìm kiếm khu vực sạt lở. hỗ trợ ổn định cuộc sống và lo hậu sự cho người đã mất”.
Lãnh đạo huyện cho biết thêm, đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở để cảnh báo đến với người dân.
Theo nhận định của cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông tiếp tục mạnh lên ảnh hưởng đến đất liền, có thể gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở.
UBND tỉnh Lâm Đồng và nhiều tỉnh, thành thuộc Tây Nguyên, miền Trung... đã ban hành các văn bản, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; yêu cầu kiểm tra rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án; lưu ý các công trình, dự án tại khu vực xung yếu, đồi dốc có nguy cao sạt trượt đất, ngập lụt để thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý; các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao,... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra, đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt.
Chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, sơ tán, di dời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo CAO