Làm gì để "cứu" ngành thực phẩm, đồ uống thời Covid ?
Thời gian vừa qua, các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thực phẩm - đồ uống (F&B) trên địa bàn TP Đà Nẵng lao đao do ảnh hưởng của đại dịch Covid19. Hầu hết các nhà đầu tư, kinh doanh chưa kịp trở tay trước thua lỗ do đợt dịch lần 1 lại tiếp tục hứng chịu những tổn thất do làn sóng dịch bệnh quay trở lại lần 2. Hàng loạt các cửa hàng gắn biển sang nhượng, tuyên bố thanh lý mặt bằng còn một số khác cố gắng cầm cự và tìm kiếm những giải pháp, hướng đi phù hợp với thời cuộc.
Các cửa hàng kinh doanh đồ uống, nhà hàng đang gặp khủng hoảng vì Covid19. |
Ồ ạt sang nhượng, thanh lý mặt bằng để cắt lỗ
Khi làn sóng dịch bệnh quay trở lại lần 2 vào cuối tháng 7-2020 sau gần 3 tháng bình yên một lần nữa đẩy các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ uống rơi vào tình trạng lỗ nặng. Anh N. Q. V chủ quán cà-phê, trà sữa trên đường Tô Hiến Thành, Q. Sơn Trà chia sẻ: "Tình hình kinh doanh tại quán đang bất ổn, bán cả năm nay tháng nào cũng lỗ tiền thuê mặt bằng. Mỗi ngày doanh thu phải đạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng mới đủ chi trả tiền mặt bằng, nhân viên, nguyên vật liệu, tuy nhiên con số kỳ vọng đó trong thời buổi dịch bệnh như thế này là rất khó đạt được".
Trước đó, vào tháng 7-2020, tại buổi thảo luận bàn về Giải pháp cho ngành F&B diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn cùng sự dẫn dắt của diễn giả Nguyễn Trúc Chi - chuyên gia tư vấn ngành F&B, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã có những chia sẻ về hoạt động kinh doanh thời kỳ Covid - 19. Theo những người sáng lập, điều hành các thương hiệu nổi tiếng tại Đà Nẵng như Chè Ông Cúc, bánh mì Ba Hưng, nhà hàng Thai Market,... đều cho biết doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay sụt giảm chỉ đạt khoảng 50 đến 60% so với cùng kỳ 2019.
Anh Nguyễn Quốc Điệp - nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần Sàn Sang nhượng cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên rất đông người sang quán nhằm cắt lỗ nên giá sang rất rẻ. Tuy nhiên thị trường cũng chưa ổn định, cũng rất ít người bước chân vào kinh doanh giai đoạn này".
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ uống, thực phẩm tại các tuyến phố sầm uất trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đang được gắn biển sang nhượng. Trên các trang mạng xã hội, website thị trường sang nhượng sôi động hơn cả.
Tại nhóm "Sang nhượng Mặt bằng - Quán - Nhà hàng - Ki ốt tại Đà Nẵng" mỗi ngày có hàng chục bài viết mới với nội dung sang quán, nghỉ bán thanh lý đồ đạc. Tuy nhiên, có người bán mà chẳng có người mua. Để nhanh chóng sang nhượng thành công, các chủ cửa hàng đưa ra giá tương đối "mềm" nhưng không mấy ai ngó ngàng.
Giải pháp là gì?
Bà Nguyễn Trúc Chi tại buổi thảo luận bàn về giải pháp cho ngành F&B cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh thu thấp phải kể đến đầu tiên là đóng cửa hàng theo quy định giãn cách. Cùng với đó, do ảnh hưởng của việc sụt giảm khách du lịch và sự cạnh tranh của những hình thức kinh doanh mới xuất hiện (cá nhân bán hàng online sản phẩm ẩm thực). Sự thay đổi hành vi thói quen tiêu dùng (đặt hàng online, thích không khí gia đình, hạn chế ra đường) cũng phần nào khiến các cửa hàng kinh doanh ế ẩm. Ngoài ra, khi thu nhập bình quân đầu người đang giảm do thất nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý tiêu dùng tiết kiệm, khách hàng sẽ hướng tới những sản phẩm giá rẻ, bình dân".
Cũng theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Trúc Chi, hiện nay, mức chi phí cố định của các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ uống quá cao. Hàng tháng phải chi trả các khoản chi phí như mặt bằng (chiếm khoảng 17%), nguyên liệu chiếm đến 43% (tính chi phí nguyên liệu chạy các chương trình giảm giá, 20% các chi phí như marketing, ship hàng, 20% còn lại là lương nhân viên và chủ cửa hàng. Nếu như với mức chi phí như trên thì hoạt động kinh doanh không mang lại lợi nhuận.
Trước tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đặt ra câu hỏi giải pháp kinh doanh trong thời kỳ Covid - 19 là gì? Đâu là hướng đi phù hợp? Anh Nguyễn Văn Dưỡng - nhân viên Công ty TNHH MTV TM&DV Giải pháp cà-phê DANA phân tích: "Mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng những cửa hàng kinh doanh hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu như công nhân, công chức, dân văn phòng, tức là nhóm vẫn đảm bảo về thu nhập trong mùa dịch lại có lượng khách tương đối ổn định. Ngoài ra, những thương hiệu hướng tới sự bình dân, sản phẩm giá rẻ, không gian đẹp cũng luôn giữ chân khách hàng trong mùa dịch này".
Từ đặc điểm thị trường của ngành F&B trong thời Covid 19, một số cơ sở, cửa hàng kinh doanh đã chuyển đổi sang nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu này. Tuy nhiên, giải pháp "lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia" được xem là không hiệu quả, tốn kém chi phí. Bởi lẽ, khi xây dựng thương hiệu từ thực đơn, nguyên liệu đến không gian đã định hình cho đối tượng khách hàng mục tiêu đó. Và mọi sự thay đổi chắp vá vội vã đó vừa không mang lại hiệu quả vừa tốn kém chi phí.
Giải pháp bà Nguyễn Trúc Chichuyên gia tư vấn ngành F&B gợi ý cho các cá nhân, doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trong thời kỳ Covid-19 đó là cần tính phương án giảm chi phí marketing, giao hàng, mặt bằng hàng tháng và giá nhập nguyên liệu phù hợp. Bên cạnh đó, cần tiết kiệm chi phí nhân sự, tổ chức công việc hiệu quả, tăng cường các kênh bán hàng để tăng số lượng khách, bổ sung sản phẩm với mức giá tiêu dùng cơ bản tập trung truyền thông vào nhóm sản phẩm này.
NGUYỄN LIÊN