Làm gì để thoát khỏi sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc?

Thứ sáu, 13/06/2014 11:53

(Cadn.com.vn) - Nền kinh tế của chúng ta đang bị phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, trong tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi chúng ta điều chỉnh chính sách ra sao, đặt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên quan chủ quyền biển đảo hiện nay, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hồng Nhung, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới về vấn đề này bên lề Hội thảo “Cơ hội và thách thức TPP” diễn ra sáng 12-6 tại Đà Nẵng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nhung: Trung Quốc có ý đồ tận dụng TPP, bằng cách can dự vào nền kinh tế các nước Asian trong đó có Việt Nam. Ngành dệt may chúng ta chịu nhiều thiệt thòi trước các DN Trung Quốc.

Trước năm 2013 Trung Quốc thờ ơ với việc đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cuối năm 2013 Trung Quốc đã đổ vào Việt Nam 13 tỷ USD liên quan đến ngành dệt, nhuộm may mặc vừa nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu cho Trung Quốc vừa đón sóng hưởng lợi từ TPP.

P.V: Những điểm yếu nhất của các DN Việt Nam khi tham gia vào TPP là gì, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nhung: Phần lớn DN Việt Nam trong các ngành chịu tác động nhiều từ TPP, như thủy sản, dệt may, da giày và lĩnh vực nông nghiệp..., đều hạn chế về vốn. Mặt khác, từ trước đến nay, các DN này thường chỉ làm gia công. Muốn thoát khỏi gia công để có thể xuất khẩu trực tiếp, thì phải quan tâm đến công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

DN chúng ta còn rất yếu về hoạt động này. Hầu hết DN làm theo thiết kế và đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài, chứ chưa sáng tạo. Điều đặc biệt quan trọng có tính quyết định là các DN Việt Nam đang rất mơ hồ và thụ động khi nói về TPP cũng như các hiệp định khác.

P.V: Trong thời điểm này, Việt Nam cần làm gì để hạn chế sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc?

PGS. TS Nguyễn Hồng Nhung: Sự kiện xung đột biển Đông đang là “cú hích” mạnh đối với các DN Việt Nam trong việc nỗ lực tìm lối thoát khỏi sự ràng buộc về thị trường, nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ người láng giềng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng như các DN trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc... là các thị trường mà DN Việt Nam có thể hợp tác nhập khẩu xơ, sợi và vải.

Ngoài ra, nhiều DN chuyển mạnh từ gia công sang sản xuất hàng từ nguồn nguyên liệu trong nước để xuất sang Nhật Bản. Đẩy mạnh sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước sẽ đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ hàng gia công, giảm sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc và tăng tính chủ động cho DN.

Việc phụ thuộc vào một thị trường tạo ra áp lực rất lớn, chưa kể thị trường Trung Quốc có nhiều rủi ro, ép giá và nguy cơ không thực hiện hợp đồng khi giá thị trường biến động. Theo tôi, nếu Chính phủ quyết tâm và có chính sách thích hợp để làm cú hích mạnh thì có thể thay đổi được tình hình”.

Trong các quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thì quan hệ với Trung Quốc là xấu nhất, chúng ta đang bị nhập siêu rất nhiều từ Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2013 chúng ta đã thâm hụt thương mại lên đến 14 tỷ USD, thì có đến 11 tỷ USD từ Trung Quốc.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam không phải dưới dạng FDI mà chủ yếu là dưới dạng đấu thầu các công trình, dự án của Việt Nam. Do đó, Việt Nam không thể vì lý do chính trị mà ưu tiên cho các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án Nhà nước hay dễ dãi trong vấn đề nhập vật tư thiết bị, lao động...

DN Đà Nẵng cần chủ động nghiên cứu để có kế hoạch ra sân chơi lớn TPP. Sản xuất giày tại Cty Hữu Nghị Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN ĐƯƠNG

P.V: Vì sao Mỹ luôn luôn quan tâm và tỏ ra thân thiện và ủng hộ TPP?

PGS. TS Nguyễn Hồng Nhung: Trong số các nước tham gia TPP tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ là nước lớn nhất và do đó cũng là nước có ảnh hưởng nhất tới tiến trình, phạm vi cũng như kết quả đàm phán. Vì vậy việc tìm hiểu mục tiêu, tham vọng cũng như những vấn đề nội bộ liên quan của Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tương lai của TPP.

Ngoài việc gia tăng lợi ích của Mỹ trong chính sách kinh tế và đối ngoại với Đông Nam Á, mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu, thì Mỹ còn hạn chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng về thương mại của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Do đó, TPP có ý nghĩa rất lớn cho chiến lược xoay trục về Châu Á của Mỹ.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Xuân Đương
(thực hiện)