Làm gì khi xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng?

Thứ ba, 30/09/2014 09:15

(Cadn.com.vn) - Hiện TP Đà Nẵng có nhiều công trình khách sạn, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư cao tầng đã đưa vào sử dụng và đều được thiết kế, trang bị các phương tiện PCCC và có lực lượng chữa cháy cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế nguy cơ hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng luôn tiềm ẩn. Để người dân hiểu rõ về nguyên nhân cháy, cách thức thoát nạn, cách tự bảo vệ tính mạng, tài sản khi xảy ra sự cố cháy, nổ trong các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng... chúng tôi đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Huy Phong, Trưởng phòng Hướng dẫn Chỉ đạo về phòng cháy- Cảnh sát PC&CC TP Đà Nẵng.

Đại tá Nguyễn Huy Phong.

P. V: Thưa Đại tá, theo ông, vấn đề nguy hiểm nhất khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại các tòa nhà cao tầng là gì?

Đại tá Nguyễn Huy Phong: Thành phố Đà Nẵng đang trong giai đoạn phát triển theo mô hình đô thị hiện đại do vậy các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và sự phát triển chung về KT-XH của TP. Tuy vậy, nguy cơ  mất an toàn về cháy, nổ ở những nhà cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn đối với những người sống, làm việc trong tòa nhà. Nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại về người trong các đám cháy nhà cao tầng và siêu cao tầng là do lối thoát nạn (hành lang, cầu thang bộ) trong tòa nhà bị chặn, bị khói, khí độc xâm lấn và nhiệt độ từ đám cháy, dẫn đến quá trình sơ tán người tại các tầng cao không thể thực hiện...

Hiện nay, thoát nạn cho người trong các tòa nhà cao tầng và siêu cao tầng chủ yếu thực hiện bằng lối thang bộ nhưng thực tế việc thoát nạn bằng thang bộ của tòa nhà luôn tiềm ẩn những hiểm họa, bởi những hạn chế sau: Nếu quá trình thoát nạn bằng thang bộ của tòa nhà không được tổ chức hợp lý (thoát nạn từng phần, từng nhóm theo tầng) thì với số lượng người tăng đột biến (vượt quá 7, 8 người/m2) cùng đổ về thang bộ sẽ gây ra hiện tượng tắc nghẽn tại lối thoát nạn và bên trong thang bộ, không chỉ làm chậm quá trình thoát nạn mà còn có nguy cơ thương vong rất cao do giẫm đạp, xô đẩy.

Thoát nạn bằng thang bộ không chỉ khó khăn đối với những người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người tàn tật… mà ngay cả những người có thể trạng khỏe mạnh chỉ sau 5 phút di chuyển cùng mật độ dòng người cao tại cầu thang bộ (dài từ 150-1.000m) đã có dấu hiệu mệt mỏi. Như vậy, thấy rằng việc sơ tán người bằng thang bộ đang tồn tại những hạn chế và ảnh hưởng đến sự an toàn quá trình thoát nạn ...

P.V: Vậy khi xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà  cao tầng, mọi người ở trong khu vực đó phải làm gì để ngăn chặn đám cháy và bảo vệ tính mạng của mình, thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Huy Phong: Khi xảy ra sự cố cháy tại các nhà cao tầng, mọi người có mặt trong tòa nhà phải hết sức bình tĩnh, báo động cháy cho mọi người biết và báo cho người có trách nhiệm của tòa nhà; gọi điện 114 báo ngay cho lực lượng CSPCCC gần nhất; nhanh chóng cắt điện khu vực cháy; sử dụng các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt ngay đám cháy, di chuyển tài sản chống cháy lan, nếu đám cháy không thể khống chế được có nguy cơ cháy lan thì nhanh chóng tổ chức thoát nạn trật tự, hợp lý (thoát nạn từng phần, từng nhóm theo tầng) theo lối cầu thang bộ gần nhất, tránh chen lấn, xô đẩy hoảng loạn mất trật tự.

P.V: Thưa Đại tá, nên làm gì để hạn chế các sự cố xảy ra cháy nổ tại các khu nhà cao tầng?

Đại tá Nguyễn Huy Phong: Phải áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ xảy ra. Trước hết chủ đầu tư hoặc người đứng đầu cơ sở phải chấp hành và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc điều kiện an toàn PCCC như: kết cấu, kiến trúc, bậc chịu lửa công trình, khoảng cách an toàn các giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói, thông gió hút khói, các giải pháp thoát nạn, hệ thống báo cháy chữa cháy tự động... từ khâu thiết kế, xây dựng và trong quá trình đưa vào xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.  Ban hành nội quy, quy định về PCCC, niêm yết đầy đủ biển báo, biển cấm, sơ đồ biển chỉ dẫn thoát nạn, phòng cháy chữa cháy phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của tòa nhà. Tuyên truyền phổ biến, đôn đốc và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các nội quy, quy định về PCCC, hướng dẫn kỹ năng chữa cháy và thoát nạn cơ bản cho những người thường xuyên làm việc tại  tòa nhà.

Thành lập BCH về PCCC, đội PCCC cơ sở của tòa nhà có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH trang bị đầy đủ các trang bị phương tiện cần thiết cho lực lượng này. Thực hiện đúng quy trình, quy định về bảo trì, bảo dưỡng, vận hành sử dụng và sửa chữa thay thế các hệ thống, thiết bị PCCC. Thường xuyên lập bổ sung chỉnh lý phương án chữa cháy CNCH tổ chức học và diễn tập các phương án chữa cháy và thoát nạn với nhiều tình huống giả định cụ thể để mọi người làm việc tại tòa nhà hiểu biết và thực hiện khi có sự cố xảy ra.

 P.V: Xin chân thành cảm ơn Đại tá!

Hoài Hương
(Thực hiện)