Ngày hội việc làm và tư vấn nghề cho lao động nông thôn:

Lắm lao động trẻ "quay lưng"

Thứ hai, 12/08/2013 12:46

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê, vùng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) hiện còn khoảng 11 ngàn lao động (LĐ) chưa có việc làm, hơn 2 ngàn thanh niên có nhu cầu tìm việc; trong đó 43% LĐ chưa qua đào tạo nghề. Đây là một thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện; nhất là chuyển dịch cơ cấu LĐ, cơ cấu ngành nghề theo hướng tích cực. Vì vậy, việc tổ chức ngày hội “Việc làm và tư vấn nghề cho LĐ nông thôn” vào sáng 10-8 với sự tham gia của 30 doanh nghiệp (DN) và 10 Trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn TP được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết một phần “bài toán” trên...

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND H. Hòa Vang, đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn là nhu cầu bức thiết của người LĐ nông thôn sau khi đất sản xuất bị thu hồi. Hòa Vang đang phấn đấu giảm dần tỷ lệ LĐ trong sản xuất nông nghiệp và tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo thì ngoài các chính sách, những giải pháp căn cơ thì việc tổ chức ngày hội việc làm như thế này là hướng đi cần thiết, phù hợp với người LĐ ở nông thôn. Vì vậy, để chuẩn bị cho ngày hội, huyện đã chỉ đạo cho các ngành xuống tận địa bàn nắm bắt nhu cầu của thanh niên và phối hợp với Trung tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề TP tư vấn giới thiệu việc làm trực tiếp cho người LĐ.

LĐ nông thôn Hòa Vang tìm hiểu thông tin tuyển dụng.

Các anh Ngô Ánh (1971), Đặng Văn Việt (1979, cùng trú xã Hòa Liên, H. Hòa Vang) là những nông dân thuộc diện di dời, giải tỏa đến ngày hội với mong muốn kiếm việc làm phù hợp. Anh Ánh cho biết: “Tôi mới học hết lớp 9 nên khó tìm được việc, vì phần lớn các DN yêu cầu phải có chuyên môn; trong lúc trước giờ mình chỉ biết cái cày, cái cuốc. Bây giờ đất nông nghiệp bị thu hồi, cuộc sống gặp khó khăn nên phải tìm việc làm để có thu nhập”. Thâm nhập những DN có tuyển dụng nhân viên bảo vệ, các anh đều không đạt được mục đích. Có DN tuyển dụng với mức lương 2 triệu đồng/tháng nhưng lại không có các chế độ về BHYT, BHXH. Có nơi nhận đơn, hẹn ngày phỏng vấn nhưng cũng khó cho các anh vì yêu cầu của DN là nhân viên bảo vệ phải có trình độ lớp 12 để biết cách lập biên bản khi xảy ra vụ việc... Còn các thanh niên trẻ hơn như Trịnh Thị Kim Đào, Nguyễn Thị Định, Đinh Thị Ngọc Lan tốt nghiệp Đại học từ năm 2010, 2011 đến với ngày hội nhưng không tìm được việc làm theo như các chuyên ngành đã học: Kế toán, Ngân hàng nên chỉ biết đăng ký với Cty Cổ phần truyền thông Kim Cương xin phỏng vấn, tuyển dụng làm nhân viên chăm sóc khách hàng...

Tại khu vực tư vấn, đào tạo nghề miễn phí, số LĐ tìm đến để chọn cho mình một nghề phù hợp không nhiều. Nhiều LĐ trẻ còn cho rằng đi học nghề không có chế độ nên không muốn học. Đinh Thị Beo (1995, trú xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) vẫn “lơ mơ” về khái niệm học nghề. Beo nói, trước giờ chỉ quen với công việc nương rẫy. Khi được Trung tâm dạy nghề miễn phí Q. Liên Chiểu tư vấn, Beo mới chọn học nghề may.

Ngoài lao động trẻ, LĐ nông nghiệp lớn tuổi cũng rất ít cơ hội có việc làm do quá trình chuyển đổi ngành nghề từ kinh tế nông nghiệp vùng ven chuyển qua kinh tế dịch vụ phục vụ đô thị vẫn còn nhiều lúng túng... Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện, đến cuối ngày, số người đăng ký đào tạo nghề là 74, số người có nhu cầu việc làm, đăng ký phỏng vấn tại các DN là 325 người trong tổng số gần 1 ngàn người LĐ đến với ngày hội.

Hòa Vang hiện là địa phương có tốc độ đô thị hóa rất cao, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, hàng ngàn LĐ nông thôn không còn đất sản xuất, rơi vào tình cảnh không có việc làm. Do đó, việc chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm mở các lớp đào tạo nghề được xem là cơ hội quý giá giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Thế nhưng thống kê tại danh sách đăng ký tại ngày hội việc làm ngày 10-8 phản ánh một nghịch lý: mặc dù các cơ sở dạy nghề đã có nhiều ưu đãi, nhưng không ít LĐ trẻ lại “quay lưng” với việc học nghề.

An Dương