Làm rõ bất cập pháp lý, thực tiễn quản lý tàu bay không người lái

Thứ ba, 02/04/2024 06:45
Chiều 1-4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương trình bày Tờ trình.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương trình bày Tờ trình.

Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, mục đích xây dựng dự án Luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương với 55 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách, nội dung xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân. Việc ban hành Luật là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể chế hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và Luật Quốc phòng năm 2018 về phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ. Việc ban hành Luật cũng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để rà soát, quy định nội dung phù hợp, nhất là quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Về điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay (Điều 29), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, nội dung quy định điều kiện phải “có kiến thức về hàng không” là chưa rõ, có thể phát sinh thủ tục, yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ không cần thiết.

PHAN PHƯƠNG