Làm sao để Nghệ An không còn "đi trước về sau"?

Thứ tư, 21/12/2022 14:36
Sáng 20-12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn.

Tham dự Hội thảo có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An; đại diện Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Nghệ An; các thành viên trong Ban chỉ đạo và Tổ Biên tập Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; một số chuyên gia, nhà khoa học...

Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội.

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 12

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tỉnh đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 trên 20.000 tỷ đồng. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: Khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, Nghệ An rất mong muốn có một cơ chế, nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để cộng hưởng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đưa tỉnh tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới.

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những kết quả mà Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực tuy rất đáng trân trọng nhưng mới chỉ là bước đầu, còn rất khiêm tốn, vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề chưa có giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển.

"Phải chăng "Nghệ An đi trước về sau" là câu nói đã trở thành sự thật, là thực tiễn đang diễn ra và chúng ta mặc nhiên chấp nhận điều đó? Một tỉnh "đi đầu, dậy trước" trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết - Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi Đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước. Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có những trường đại học, cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...", Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ.

Ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đã đến lúc Nghệ An phải nhìn nhận lại, đánh giá thật khách quan tiềm năng, thế mạnh, năng lực thật sự của tỉnh, để xây dựng, hình thành một động năng phát triển mới, thực chất và thực tế trên 4 phương diện: Tư duy phát triển mới; Không gian phát triển mới; Nguồn lực phát triển mới; Lĩnh vực phát triển mới.

Đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện số 26-NQ/TW, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nghệ An đã đạt những kết quả tích cực bước đầu, tuy còn khiêm tốn nhưng đặc biệt có ý nghĩa đối với một địa phương có trình độ xuất phát thấp và nhiều khó khăn đặc thù. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nghệ An chưa đủ cao để tạo bứt phá, làm "xoay chuyển" vị thế và thay đổi căn bản quỹ đạo phát triển của tỉnh.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á

Bên cạnh đó, diện tích và dân số của tỉnh lớn, song thu nhập dân cư thấp nên quy mô kinh tế nói chung còn nhỏ, chưa đủ tạo lợi thế về quy mô "xứng tầm" để có thể phát huy đầy đủ. Ngoài ra, lực lượng doanh nghiệp của Nghệ An còn nhỏ và yếu, chỉ chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp cả nước (2021). 98% số doanh nghiệp của tỉnh là nhỏ và siêu nhỏ. Tỉnh còn thiếu các doanh nghiệp - tập đoàn kinh tế mạnh, đóng trụ cột phát triển trong một số lĩnh vực để tạo thế "dẫn dắt phát triển" và "thu hút đầu tư".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, cần phải có cơ chế, thể chế ưu tiên đối với các vùng trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Nghệ An; ưu tiên các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược; phát triển thành phố Vinh về kinh tế - văn hoá xứng tầm của vùng Bắc Trung Bộ; phát triển vùng miền Tây Nghệ An theo một phương thức mới, gắn với chuỗi giá trị công nghệ cao; chiến lược phát triển doanh nghiệp xứng tầm...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cần xác định rõ mục tiêu phát triển

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Nghệ An cần xác định rõ mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới là "dân phải giàu, tỉnh phải mạnh" thông qua các chỉ tiêu về GRDP bình quân đầu người, cân đối ngân sách, phát triển thành tỉnh công nghiệp.

Tỉnh phải có những định hướng phù hợp phát triển cho từng vùng: Biển, đồng bằng, miền núi. Theo đó, phải có các cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là phải có các cảng biển; cần phải có những định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ toàn diện dựa trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy ở mức cao nhất giá trị văn hóa, bản sắc xứ Nghệ, con người Nghệ An, làm sao cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh.

Về nhân lực, nguyên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, xây dựng con người Nghệ An có ý chí làm giàu, vươn lên, tự lực tự cường. "Nghệ An cần cơ chế gì phải đề xuất kịp thời, để thực hiện được mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh, tránh rơi vào tình trạng có Nghị quyết sớm nhưng hoàn thành các mục tiêu chậm", nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các tham luận và nội dung trao đổi rất sâu sắc, toàn diện; không chỉ dừng lại kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, mà còn tập trung làm rõ các ưu điểm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới

Tổng kết những nội dung cơ bản đã trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, các đại biểu đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước; là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PHAN PHƯƠNG