Lâm tặc tiếp tục “xẻ thịt” rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa
* HƠN 100M3 GỖ BỊ CHẶT HẠ, KÉO DÀI HÀNG THÁNG TRỜI
* SẼ LẬP THÊM TRẠM KIỂM LÂM ĐỂ BẢO VỆ RỪNG GIÁP RANH
(Cadn.com.vn) - Trong khi vụ án phá rừng lớn nhất từ trước tới nay xảy ra vào năm 2014 tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đang trong quá trình hoàn tất công tác điều tra và chuẩn bị đưa ra xét xử thì lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan Kiểm lâm (KL), lâm tặc đã lén vào các khu vực giáp ranh để tiếp tục xẻ thịt “lá phổi” của Đà Nẵng. Rừng thì liên tục chảy máu, còn cơ quan KL địa bàn lý giải là do... mưa gió và lực lượng mỏng.
Rừng bị phá do... thời tiết!
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 vừa qua, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan KL, lâm tặc đã kéo vào khu vực nằm giữa đất rừng sản xuất và rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 20, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa để khai thác gỗ với phạm vi và khối lượng rất lớn. Cho đến ngày 16-12, theo thống kê hiện trường của cơ quan KL, tổng khối lượng gỗ thành phẩm đã bị lâm tặc triệt hạ lên đến hơn 100m3, bao gồm trám đinh, sơn huyết, xoan đào... Do được thảnh thơi trong một thời gian dài, hầu hết gỗ đã được tẩu tán, vận chuyển khỏi hiện trường nên lực lượng chức năng chỉ thu hồi lại được khoảng 10m3.
Khi được hỏi vì sao tình trạng phá rừng kéo dài hàng tháng trời trong khu vực thuộc trách nhiệm quản lý của mình mà cơ quan quản lý không hề hay biết? ông Phan Thế Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho hay, do thời gian cuối năm thường xuyên có mưa lớn nên cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) Tà Lang - Hòa Bắc phải rút về Trạm QL-BVR Sông Nam. Lợi dụng địa hình hiểm trở, thời tiết không thuận lợi cho việc tuần tra, truy quét bảo vệ nên lâm tặc đã lén lút vào khu vực giáp ranh giữa rừng trồng và rừng đặc dụng để khai thác gỗ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh, thống kê thiệt hại, xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Phương cũng yêu cầu Chi cục KL, Hạt KL Hòa Vang, Hạt KL Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, các trạm KL trong địa bàn, chính quyền địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân đã để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài với số lượng gỗ bị đốn hạ rất lớn trong tháng 11 vừa qua.
Lãnh đạo BQL Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa lý giải, do thời tiết không thuận lợi, cán bộ KL |
Xem xét khởi tố vụ án
Liên quan đến vụ việc, ông Phan Thế Dũng - Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cho biết, đơn vị đã thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Thương, là cán bộ phụ trách Trạm QL-BVR Sông Nam, do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng. “Theo xem xét tại hiện trường, rừng đã bị phá trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11. Ngoài việc kỷ luật đối với ông Nguyễn Thương, chúng tôi đang phối hợp cùng Chi cục KL, các cơ quan liên quan tiếp tục thống kê số liệu, điều tra, xác minh trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan” - ông Dũng cho hay.
Vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay (ảnh) chưa xử lý xong thì lâm tặc |
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Chi cục KL TP Đà Nẵng khẳng định, không thể lấy lý do trời mưa gió, thời tiết không thuận lợi để giải thích cho việc buông lỏng rừng, để lâm tặc lộng hành trong một thời gian dài như vậy. Đã là KL địa bàn thì phải bám sát rừng, nhiệm vụ được phân công quản lý, còn chuyện mưa gió, lực lượng mỏng là những lý do không thể chấp nhận được. Chỉ cần lực lượng tại chỗ làm hết trách nhiệm thì có diễn biến sẽ phát hiện ngay, nếu không tự xử lý được thì rất nhiều lực lượng sẽ phối hợp giải quyết kịp thời.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, từ nay đến Tết Nguyên đán, ngoài việc thành lập 2 tổ chốt chặn do đích thân lãnh đạo 2 Hạt KL là Hạt KL Hòa Vang và Hạt KL Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa làm tổ trưởng, các đơn vị liên quan trên địa bàn sẽ tiến hành truy quét trong rừng để hạn chế tình trạng phá rừng. “Trước mắt, các đơn vị liên quan phải có báo cáo, giải trình cụ thể vụ việc trước ngày 20-12. Sở chỉ đạo Chi cục KL và các đơn vị trực thuộc, liên quan làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đồng thời truy tìm thủ phạm để sớm đưa vụ việc ra xử lý. Nếu đủ điều kiện, sẽ khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, lực lượng KL phải phối hợp cùng chính quyền địa phương chốt chặn 24/24 giờ và tiến hành truy quét trong rừng liên tục, đặc biệt là những ngày Tết” - ông Phương cho hay. Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, sẽ thành lập thêm Trạm KL Tà Nô để quản lý rừng hiệu quả tại các khu vực giáp ranh, kể cả khu vực giáp với TT-Huế.
Đông A