Làm thế nào bảo tồn và phát huy "làng cổ" ở Đà Nẵng?

Thứ năm, 28/03/2019 13:23

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích không lớn và chỉ có duy nhất một huyện nông nghiệp. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn có không ít  những địa danh, sự kiện gắn với chữ "Làng" như Làng chiếu Cẩm Nê, Làng cổ Túy Loan, Làng chài Mân Thái, Làng Nam Ô, nơi có nghề sản xuất nước mắm và trước đây còn có nghề làm pháo, vang bóng một thời với thương hiệu pháo Nam Ô. Đó còn là Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Làng cổ Phong Nam, Làng Bánh khô mè Cẩm Lệ. Trong "phố" còn những lễ hội mang "tính làng" như Lễ hội Đình làng Hải Châu, An Hải, Trung Nghĩa, Hòa Minh... thường diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm.

Làng chiếu Cẩm Nê có từ lâu đời.

Ngoài ý nghĩa giữ gìn bản sắc, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa của quê hương đất nước thì việc bảo tồn và phát huy những di tích văn hóa mang tính truyền thống và lịch sử này cùng với việc quản lý, khai thác một cách bài bản, sẽ tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn và chỉ có ở Đà Nẵng. Tuy nhiên ở Đà Nẵng, vấn đề này vẫn còn nhiều điều phải làm để khai thác "nguồn tài nguyên văn hóa" riêng có này. Một số điểm làm chỉ mang tính "duy trì", chắp vá và không mang tính bền vững, chưa nói là có nguy cơ bị mai một như "Làng du lịch sinh thái Cẩm Nê" nơi có nghề làm chiếu nổi tiếng một thời. Hoặc như "Làng cổ Nam Ô", bao nhiêu năm nay, "Làng nghề nước mắm Nam Ô" vẫn chưa được quy hoạch để bảo tồn một cách đúng nghĩa. Đó là chưa kể nghề làm pháo Nam Ô vang bóng một thời, tuy Nhà nước đã cấm đốt pháo từ năm 1994 nhưng cũng nên khôi phục ở một quy mô vừa phải để lưu giữ những hiện vật, hình ảnh để thế hệ con cháu và du khách biết về một nơi trước đây có một nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương... Ngoài ra, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, vì nhiều lý do khách quan đến nay vẫn đang còn nằm trên bản đồ quy hoạch. Thực tế về bảo tồn, phát triển, khai thác các  địa danh mang "tính làng" cả về yếu tố văn hóa lẫn nghề truyền thống ở Đà Nẵng vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng để nhận được  sự quan tâm của du khách.

Từ chuyện ở Đà Nẵng lại nhớ đến việc  bảo tồn và phát triển các "ngôi làng" cổ, nghề truyền thống ở nước ngoài để trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ở đó, người ta biết cách khai thác tối đa những địa danh có nguồn gốc là "làng cổ" này thành điểm đến hấp dẫn du khách. Điển hình cho việc này là "Làng dân tộc Seongeup" trên Đảo Jeju (Hàn Quốc) mà người viết có may mắn được  đến hồi cuối năm 2017. Đến ngôi làng cổ này, bạn sẽ cảm nhận được  cuộc sống thanh bình của người nông dân Hàn Quốc thời xưa và ngắm nhìn những ngôi nhà truyền thống nhỏ bé, tận mắt thấy những hiện vật được lưu giữ hàng trăm năm, lắng nghe những câu chuyện, những tập quán để hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của người dân thời xưa trên hòn đảo Jeju xinh đẹp. Những nét văn hóa truyền thống cùng các sản vật được lưu giữ một cách nguyên vẹn tại đây từ thế kỷ XIX. Đây được coi là "Bảo tàng sống" ngoài trời, tái hiện một cách chân thực và sinh động cuộc sống của người nông dân Hàn Quốc hàng trăm năm trước. Những ngôi nhà bán đồ lưu niệm, thảo dược, mật ong, trái cây  hay những trụ sở quản lý làng nơi đây đều được xây dựng theo mô hình nhà của người dân trên đảo thời xa xưa. Thậm chí, một cái chuồng lợn, nuôi theo kiểu "cổ xưa" với con lợn đen trũi nằm trong đó vẫn được duy trì. Đặc biệt, để phát triển nơi này thành địa điểm du lịch văn hóa, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi giữ chân người dân ở lại làng như: miễn phí tiền học, tiền điện, nước theo định mức cho phép. Nên khi tới làng dân tộc Seongup vẫn có cư dân sinh sống là làm nghề truyền thống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với họ.

Ngôi làng Seongeup (Hàn Quốc) trở thành địa điểm du lịch thu hút sau bộ phim Nàng Dae Jang Geum.

Về làng nghề truyền thống, nên tham khảo cách phát huy làng nghề gắn với du lịch như ở Bali Indonesia. Ở đảo Bali, theo báo cáo sau chuyến đi khảo sát về cách làm du lịch tại hòn đảo này của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, người dân địa phương ở đây được chính phủ hỗ trợ để thành lập các xưởng thủ công sản xuất tranh nghệ thuật, trang sức, chạm gỗ... Nếu đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng thợ thủ công, trình độ,... người dân có thể đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để xin cấp phép. Sau khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra các cơ sở sản xuất thủ công đảm bảo đạt yêu cầu thì sẽ cấp phép, có biển hiệu đạt chuẩn phục vụ du khách và có chính sách hỗ trợ như vay vốn với lãi suất ưu đãi để các làng nghề thủ công phát triển...

Từ thực trạng và kinh nghiệm thực tế tham khảo ở các nước bạn trong việc bảo tồn, phát huy các làng cổ, làng nghề truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương, rất cần có những bước đi mang tính bền vững, lâu dài, trong đó chú trọng đến yếu tố về chủ trương chính sách của nhà nước, vai trò của các ngành liên quan. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa để qua đó tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để họ cùng tham gia bảo tồn, phát huy và khai thác một cách khoa học, hiệu quả các địa danh, ngành nghề truyền thống, đem lại lợi ích cho người dân, địa phương và doanh nghiệp. Và trên hết là góp phần cho Đà Nẵng có thêm những điểm đến hấp dẫn, độc đáo trên bản đồ du lịch của đất nước.

DÂN HÙNG