Làm thế nào để tăng sức mua tại các chợ truyền thống?

Thứ năm, 28/03/2024 09:27
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, hiện nay, trên địa bàn TP có tổng cộng 74 chợ các loại, gồm có: 2 chợ đầu mối, 6 chợ hạng 1, 19 chợ hạng 2, 44 chợ hạng 3 và 3 chợ tạm.

Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, trong thời gian qua, công tác đầu tư và phát triển chợ trên địa bàn TP đã được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm và bố trí nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Cho nên, về cơ bản, các chợ trên địa bàn TP đều phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hóa từ các nguồn sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng như các vùng lân cận; đồng thời đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.

Người dân và du khách mua sắm tại chợ Hàn (TP Đà Nẵng).
Người dân và du khách mua sắm tại chợ Hàn (TP Đà Nẵng).

Từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng trên cả nước nói chung, tại TP Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi, từng bước dịch chuyển dần từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online. Kế đến, do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn và ưu tiên chọn những mặt hàng thiết yếu, trong khi đó, diễn biến bắt nhịp tại chợ truyền thống lại diễn ra chậm, chưa kịp thời chuyển đổi hình thức kinh doanh để bắt kịp với xu thế chung. Bên cạnh đó, các kênh mua sắm online như: sàn thương mại điện tử, chợ điện tử, mạng xã hội, v.v… và các kênh mua sắm hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… ngày càng phát triển đã ảnh hưởng đến mãi lực của chợ truyền thống, dẫn đến sức mua giảm sút, hiệu quả kinh doanh của tiểu thương tại chợ truyền thống sụt giảm.

Đáng lưu ý hơn, trong công tác quản lý, đầu tư và phát triển chợ trên địa bàn TP hiện nay vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Trước hết là Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23-12-2009 của Chính phủ về công tác phát triển và quản lý chợ qua gần 20 năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; quy định trong việc đầu tư chợ từ nguồn vốn đầu tư công gây khó khăn cho việc đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp quy mô lớn các chợ hạng 1, chợ hạng 2. Tiếp đến là tình trạng kinh doanh hàng rong, kinh doanh tự phát của các hộ dân xung quanh một số chợ vẫn còn diễn biến phức tạp; hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để họp chợ vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng trong kinh doanh so với các hộ tiểu thương trong chợ; nhiều tiểu thương ở chợ là người lớn tuổi, cách thức mua bán vẫn truyền thống cũ, nhận thức thấp, chậm thay đổi…

Để các chợ truyền thống trên địa bàn TP trong thời gian đến giữ được khách hàng, tăng sức mua, tiểu thương kinh doanh có hiệu quả, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ, Ban quản lý các chợ cần triển khai các phương án sắp xếp hàng hóa phù hợp, thuận tiện cho hoạt động kinh doanh của tiểu thương và người mua hàng; triển khai thêm các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại chợ (hỗ trợ quảng cáo, khuyến mãi…); nâng cấp hạ tầng, xây dựng môi trường chợ văn minh, an toàn để khách hàng cảm giác thoải mái, hài lòng khi đến chợ; tinh gọn bộ máy các Ban quản lý chợ và tập trung cho lực lượng quản lý trực tiếp tại chợ; lựa chọn tiểu thương tâm huyết, tích cực sử dụng công nghệ thông tin, mua bán online trong hoạt động kinh doanh để hướng dẫn, hỗ trợ, từng bước lan tỏa đến tất cả các tiểu thương trong chợ…

Ông Nguyễn Tri Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng cho rằng để công tác quản lý các chợ đạt hiệu quả cao, tăng sức mua tại các chợ truyền thống, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường quản lý trật tự, lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh; xử lý dứt điểm tình trạng hàng rong, hộ kinh doanh mua bán không có phép tại khu vực xung quanh chợ; giải tỏa các chợ tạm, chợ cóc. Đặc biệt là đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống cần đa dạng hóa phương thức kinh doanh, có ý thức nâng cao chất lượng phục vụ, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, an toàn thực phẩm, khai thác thêm nhiều nguồn hàng, giá cả cạnh tranh; phong cách phục vụ tận tình và chu đáo…

Theo ông Võ Văn Khanh - Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Chi hội miền Trung - Tây Nguyên, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cần tăng cường công tác quản lý các chợ truyền thống, tổng hợp các quy định mới về quản lý và phát triển chợ, kịp thời cung cấp để các địa phương biết, vận dụng trong công tác đầu tư chợ; phối hợp với sở, ban, ngành hữu quan đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh online… cho tiểu thương tại chợ truyền thống.

PHÚ NAM