Làm thế nào trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ TP Đà Nẵng?

Thứ ba, 16/07/2019 09:59

Hướng đến Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội VH-NT TP Đà Nẵng, sáng 12-7, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT TP tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng” với sự tham dự đại diện của 9 Hội chuyên ngành và một số văn nghệ sĩ tại Đà Nẵng.

Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Đà Nẵng với triển lãm ảnh “Năm APEC Việt Nam 2017 và dấu ấn Việt Nam – dấu ấn Đà Nẵng”.  Ảnh: M.H

Khai mạc Hội thảo, phát biểu đề dẫn, nhà nghiên cứu  Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT TP nhấn mạnh: “Theo tôi có mấy câu hỏi cần được đặt ra để tìm lời giải đáp từ phía Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố và các hội chuyên ngành VHNT ở Đà Nẵng là trường phổ thông có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Thực trạng và giải pháp nâng cao khả năng LH các Hội VH-NT và các hội chuyên ngành VHNT tham gia giáo dục văn chương nghệ thuật trong trường học, nhất là trường phổ thông? Hay hình thức sinh hoạt CLB trẻ trong các hội chuyên ngành có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB trẻ trong các hội chuyên ngành hiện nay? Hoặc hình thức mở trại sáng tác thiếu nhi ở hai chuyên ngành văn học và mỹ thuật hằng năm có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ? Việc nguồn kết nạp hội viên/hội viên trẻ của các hội chuyên ngành có ý nghĩa như thế nào đối với việc kết nối thế hệ trong giới văn nghệ sĩ?…”.

Nhiều tham luận tại Hội thảo trao đổi cụ thể về các vấn đề liên quan đến hội chuyên ngành. Các  ý kiến trao đổi tại hội thảo đã nêu lên những thực trạng của vấn đề thế hệ trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, đồng thời đã đưa ra nhiều giải pháp để góp phần trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ. NSNA Đặng Đăng Khoa qua chủ đề “Vai trò của thế hệ nhiếp ảnh đi trước và thế hệ tiếp nối”, đề xuất những kế hoạch phát triển phong trào nhiếp ảnh tầm vĩ mô hơn. Đó là: Tổ chức những lớp nhiếp ảnh về photoshop để nâng chất lượng hình ảnh sau khi chụp; Tổ chức những cuộc nói chuyện chuyên đề về các thể loại nhiếp ảnh như: chân dung, phong cảnh, thể thao, động vật hoang dã… Các cuộc nói chuyện chuyên đề này do hội viên của hội có chuyên môn sâu về bộ môn của mình, cần có trao đổi, đặt câu hỏi và phản biện; Nếu có điều kiện, Hội nên có một phòng truyền thống riêng để treo những tác phẩm tiêu biểu của từng hội viên…

NSND Lê Huân với chủ đề “Trách nhiệm thế hệ” đã nêu rõ trách nhiệm của những người “thầy già” đối với thế hệ kế tiếp về sự phát triển của nền nghệ thuật múa. Ông thẳng thắn phê phán: “Cái thiếu sót lớn nhất của thế hệ trẻ làm công tác sáng tác của ngành nghệ thuật múa Việt Nam là ít chịu đọc, kiến thức văn học nghệ thuật hạn hẹp. Ngay ở Hội nghệ sĩ Múa TP Đà Nẵng cũng hiếm có biên đạo viết được kịch bản hoặc có công trình nghiên cứu, lý luận”. Với tham luận “Thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác Hội”, Th.S Đinh Thị Trang đã nêu bật những thành tựu, đóng góp của hội viên trẻ qua những công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là của Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng trong thời gian gần đây, khẳng định đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự tiếp nối của thế hệ để góp phần phát triển hội…

Về hoạt động mỹ thuật, qua tham luận “Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho rằng: “Thế hệ kế cận trong lĩnh vực Mỹ thuật Đà Nẵng khá đông đảo, quy tụ được nhiều anh chị em có nghề, được đào tạo bài bản thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x. Có thể thấy, những sáng tác mới của lớp trẻ không chỉ góp phần kế thừa mà còn đưa mỹ thuật thành phố uyển chuyển tiếp cận với nghệ thuật đương đại… Họ có niềm đam mê và luôn khát khao tìm đến cái “đích”, cái “chân thiện mỹ” của nghệ thuật để gởi gắm những tư tưởng, suy nghĩ về cuộc sống và con người chân thực. Họ yêu nghề, say mê sáng tạo và luôn tự tìm tòi cái mới. Về kinh nghiệm  sáng tác có thể họ chưa chín muồi, nhưng giới mỹ thuật Đà Nẵng rất tin tưởng vào tài năng của lớp họa sĩ kế cận hiện nay”.

Qua các ý kiến trao đổi của các văn nghệ sĩ về những đặc điểm phát triển thuộc 9 hội chuyên ngành, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng kết luận: đang có tình trạng “tre già măng chưa mọc” ở tất cả các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội. Vấn đề này cũng có sự khác nhau giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn và việc trẻ hóa đội ngũ biểu diễn gặp nhiều khó hơn. Để phát triển đội ngũ trẻ cần có nguồn lực tài chính, cần có nhiều cách làm mới để đào tạo các văn nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ đi trước truyền cảm hứng, kinh nghiệm sáng tác cho thế hệ sau. Để “đứng trên vai người khổng lồ” thì cần tổ chức nhiều lớp đào tạo, nói chuyện chuyên đề, chuyên môn sâu để không ngừng nâng cao kiến thức không kể lớp trẻ hay già trong sinh hoạt học thuật. Thành lập những mô hình câu lạc bộ trẻ để tạo nguồn lực phát triển Hội…

TRẦN TRUNG SÁNG