Làm tốt công tác dân vận góp phần giảm hiểm họa từ vũ khí tự chế

Thứ sáu, 31/05/2024 15:59

Ia Đal, Đồn Biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum hiện đang quản lý 7 thôn thuộc 2 xã Ia Đal, Ia Dom (huyện Ia HDrai) - nơi có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là Kinh, Gia Rai, Mường, Dao, Tày, Thái, Nùng, Xê Đăng. Những năm qua, để góp phần giữ vững an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ là một trong những nhiệm vụ chính trị được CBCS Đồn BP Ia Đal thực hiện hiệu quả, trở thành điểm sáng của lực lượng BĐBP nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung.

Đồn BP Ia Đal trao quà cho người dân khi đến tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế.
Với sự tuyên truyền, vận động của CBCS Đồn BP Ia Đal, nhiều người dân đã tự nguyện
giao nộp vũ khí tự chế.

Đại úy Phạm Tiến Đạt - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BP Ia Đal trao đổi: Đa số người dân sống trên địa bàn là công nhân thuộc Công ty Cao su, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao… Vào thời gian không khai thác mủ cao su, những công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thường có thói quen săn bắn để cải thiện cuộc sống, dẫn đến việc sử dụng vũ khí tự chế diễn ra phức tạp, có thể gây sát thương cho người khác. Tuy chưa xảy ra những vụ đặc biệt nghiêm trọng, nhưng theo đại úy Phạm Tiến Đạt, nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng tới tình hình ANTT ở địa bàn rất khó lường. Vì vậy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các Đồn BP xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giao nộp súng tự chế, vật liệu nổ.

Đồn BP Ia Đal trao quà cho người dân khi đến tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế.

Chia sẻ về lộ trình công việc đã, đang thực hiện, đại úy Đạt cho biết: Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đơn vị cùng các ngành đã lên kế hoạch cụ thể, từ công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp, đến khâu xử lý các trường hợp cố tình vi phạm một cách nghiêm khắc. Với việc kết hợp giữa dân vận khéo và xử lý, Đồn BP Ia Đal đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Câu chuyện tự nguyện giao nộp khẩu súng cho Đồn BP của anh Nông Văn Hái (thôn 3, xã Ia Đal) là một minh chứng. Năm 2012, anh Hái từ Cao Bằng vào Ia Đal làm công nhân cho Công ty Cao su Sa Thầy. Cuộc sống ở vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, tay nghề cạo mủ chưa cao nên thu nhập thấp. Để cải thiện bữa ăn cho gia đình, anh Hái tự mình chế tạo khẩu súng dùng để bắn chim, sóc… Chính những "lợi ích" mà khẩu súng mang lại, nên khi Đồn BP tuyên truyền, vận động giao nộp súng, anh Hái rất phân vân. Nhưng rồi trước những lời tuyên truyền, vận động chí lý, chí tình của cán bộ BĐBP, anh đã hiểu ra và tình nguyện mang súng đi giao nộp. Tương tự, anh Hà Văn Quyền (thôn 4, xã Ia Đal) giao nộp súng cho Đồn BP vì anh luôn tin những gì bộ đội nói và làm. Theo lời anh Quyền, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên năm 2018, anh mua lại một khẩu súng với mục đích vào rừng săn bắn, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Biết hoàn cảnh của anh, tháng 4-2024, Đại úy Hoàng Văn Thành - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn BP Ia Đal xuống nhà tuyên truyền, vận động, đồng thời trao một số tiền để hỗ trợ gia đình anh nuôi con. Khi được biết, số tiền hỗ trợ cho bà con là từ nguồn tăng gia sản xuất, tiết kiệm chi tiêu của CBCS BĐBP, anh Quyền rất cảm động nên sau đó đã mang khẩu súng đến đồn giao nộp.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Đại - Chính trị viên Đồn BP Ia Đal, từ đầu năm đến giữa tháng 5-2024, qua tuyên truyền, vận động, Đồn đã thu hồi được 31 khẩu súng các loại, trở thành đơn vị thu hồi được số lượng lớn nhất trong số 16 đơn vị thuộc BĐBP Kon Tum. Để có được kết quả đó, theo Trung tá Đại là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, địa phương trong tuyên truyền, vận động cũng như xử lý kiên quyết, nghiêm khắc với các hành vi vi phạm.

Cùng với đó là Đồn BP đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. "Chúng tôi luôn xác định, công tác vận động, đấu tranh với hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ phải được thực hiện thường xuyên liên tục và triệt để. Đó cũng là trách nhiệm của các ngành, trong đó có BĐBP, Công an, quân sự là nòng cốt và phải ưu tiên phát huy từ cơ sở. Quá trình thực hiện tuyệt đối phải sâu sát, và để giảm hiểm họa từ vũ khí tự chế, cần thiết phải làm tốt công tác dân vận khéo. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả kế hoạch công tác mà chính quyền, các ngành và cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ" – Trung tá Đại nói.

Công Hạnh - Thanh Trúc