Lan man... Nguyễn Trọng Tạo

Thứ sáu, 15/05/2015 11:13

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam. Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), những bài hát Làng Quan Họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... Đặc biệt Nguyễn Trọng Tạo là người đã vẽ lá cờ thơ, được công nhận và trở thành lá cờ biểu trưng được kéo lên trong Ngày thơ Việt Nam  từ nhiều năm nay. Đã có nhiều học giả, nhà văn nổi tiếng viết về Nguyễn Trọng Tạo như Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường,…Tôi chỉ xin lan man đôi chuyện đời thường đằng sau cái thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo để bạn đọc hiểu thêm về con người tài hoa mà gần gũi này.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Năm 1978, báo Nhân Dân tổ chức chọn thơ hay viết sau ngày giải phóng miền Nam. Kết quả có 16 bài thơ của 16 tác giả được tặng thưởng trong đó có bài thơ “Làng có một ngày như thế” của Nguyễn Trọng Tạo và bài “Nón bài thơ và hương đất cao nguyên” của tôi.  Tôi quen biết Nguyễn Trọng Tạo từ đó. Mùa đông năm 1985, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế chơi. Anh ở trọ tại nhà tôi ở lưng chừng dốc Bến Ngự. Vợ tôi phát hiện ra cái áo ra-két anh lâu ngày không giặt, bốc mùi khắp nhà. Thế là vợ tôi bắt Tạo thay quần áo để giặt. Một bộ quần áo của Tạo được vợ tôi giặt hết cả một bánh xà phòng  Liên Xô rất cứng thuở đó, mà vắt vẫn ra nước đục. Khiếp thật. Những ngày đó tôi và Tạo đạp xe chở nhau đi uống rượu đàm đạo thi ca suốt ngày với bạn bè. Trong một cuộc rượu tại nhà Mai Văn Hoan, Nguyễn Trọng Tạo đã “dính” một cô giáo Huế và đã sống ở Huế hơn 10 năm, có hai đứa con và viết được rất nhiều  bài thơ, bản nhạc hay.

Những năm Tạo ở Huế, buổi sáng bao giờ cũng chén  một tô cơm nguội đầy ụ có con cá nục kho gác ngang và một tô canh rau. Trông như ăn để đi cày. Tôi  hỏi sao không ăn phở, bún, cháo, Tạo bảo ăn cơm cho chắc bụng để nhỡ phải uống cả ngày, đề phòng say. Tôi ngồi viết ở nhà, khoảng 10 giờ sáng nghe tiếng xe máy Simson vè vè lên dốc, biết ngay Tạo chưa uống ở đâu. Thế là lục tủ lấy chai quốc lủi, rồi điện gọi Hoàng Phủ hay Mai Văn Hoan... Thế là cuộc nhậu kéo đến chiều, vợ tôi lại phải mua thêm rượu, tiếp thêm đồ mồi. Uống rượu thơ phú ngất ngưỡng cả ngày, nhưng Tạo là người chăm lo gia đình lắm. Hồi đi Đại hội Hội Nhà văn lần V, khi  Đại hội xong, Tạo ở lại Hà Nội uống rượu tiếp, gửi tôi mang về cho vợ một thùng quà nặng. Tôi ì ạch khuân lên xe, xuống xe mà không biết thứ gì trong ấy. Khi mở ra mới hay một thùng đầy bát, đĩa, tô sứ Trung Quốc và quần áo đủ kiểu.

Đó là món hàng rất mốt thời ấy. Trời đất ơi, cái lão này tưởng lơ ngơ say xỉn hóa ra lo lắng gia đình giỏi thiệt. Là  lính nên Nguyễn Trọng Tạo nấu ăn rất sành điệu. Tạo băm chặt, xào nấu, pha nước  chấm, dọn mâm... như một bà nội trợ thực thụ.  Loáng một cái đã có mâm đồ mồi thịnh soạn bưng lên cho bạn bè nhậu. Ở một mình trên tầng 6 khu chung cư ở Hà Nội, có khách, Tạo cũng xách đồ từ chợ về nấu nướng, ít khi  đãi khách ở quán cơm ngoài phố. Vì chợ sát nhà nên các bà bán thực phẩm dưới  phố ai cũng quen biết Tạo. Tôi ra Hà Nội, đến  khu chung cư chưa cần hỏi thăm, mọi người đã chỉ dẫn lối lên nhà Nguyễn Trọng Tạo rất tận tình.

Hồi ở Huế có phong trào nuôi cá trê phi, Tạo xây một cái bể lớn, thả ngàn con cá không để làm “kinh tế” mà để... nhậu. Nhưng mới hai tháng rưỡi, cá chưa kịp lớn Tạo đã câu để làm mồi đãi bạn. Câu nhiều quá, cá nó sợ không dám lớn, không dám cắn câu nữa. Bạn nhậu đã đến mà cá chưa câu được con nào, lão tức khí trổ lù cho nước thoát để bắt cá. Mới mấy tháng mà hết sạch bể trê phi!...

Tạo nuôi con gái lớn học đại học ở Hà Nội. Con học xong  lo việc làm cho con, rồi lo cưới chồng, góp tiền cho vợ chồng con mua nhà chung cư. Hai đứa nhỏ ở Huế cũng được Tạo lo lắng chu đáo. Đối với bạn bè, Tạo cũng thật chí tình. Ai nhờ vẽ bìa sách, đọc bản thảo, viết giới thiệu sách, hay viết lời tựa cho các tập thơ, Tạo cũng giúp rất  nhiệt tình. Tạo thức cả đêm để viết lời tựa cho người này người khác. Nhất là đối với các nhà thơ trẻ hay những người mới viết. Nhà thơ Văn Cầm Hải khi còn tuổi 20, in tập thơ đầu “Người đi chăn sóng biển”, Nguyễn Trọng Tạo đã chăm chú đọc, viết lời tựa, vẽ bìa rồi liên hệ với Nhà xuất bản Trẻ cho tập thơ ra mắt công chúng.

Riêng tôi, trong số 18 đầu sách đã xuất bản thì Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, viết lời bạt hết 6 cuốn. Có mấy cuốn thơ, tiểu luận, tôi từ Huế email  bản thảo ra nhờ giúp, thế là Nguyễn Trọng Tạo lui cui đi xin giấy phép, vẽ bìa, đưa đến nhà in, chấm mo-rát, rồi lại lo gửi sách vô Huế cho bạn. Có khi phải thêm tiền vào cho đủ để lấy sách ra. Không chỉ riêng tôi mà Tạo giúp rất nhiều người như vậy. Hồi ở Huế, Nguyễn Trọng Tạo tuyển “Hai thập kỷ thơ Huế”, tôi còn nhớ một hình ảnh rất cảm động. Vì tập tuyển có in ảnh từng tác giả, mà nhà thơ Thanh Hải đã quá cố không có ảnh lưu ở Hội, Nguyễn Trọng Tạo phải tìm đến nhà chị Thanh Tâm đơm hoa quả, thắp nhang vái anh Thanh Hải  mới đưa được cái ảnh thờ xuống để chụp lại. Đó là nét văn hóa tâm linh rất chỉnh chu.

Tạo đa tài giỏi giang nhiều lĩnh vực thế, nhưng lại không có bất cứ một tấm bằng cấp nào trong chuyện học hành. Học cấp 3 Tạo là học sinh xuất sắc, giỏi cả văn cả toán từng thi học sinh giỏi toàn Quốc, nhưng khi đi thi tốt nghiệp do làm bài hộ cho bạn, thế là bị đánh hỏng. Sau đó  thì đi bộ đội, rồi được cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Điều kỳ lạ là con người đa tài làm ra rất nhiều bài hát hay ấy lại không học ở Nhạc viện ngày nào mà chỉ học vài lớp bồi dưỡng ngắn hạn trong quân đội. Có người bảo Nguyễn Trọng Tạo là nhạc sĩ duy nhất ở nước ta không biết chơi đàn. Sống với Tạo 10 năm ở Huế, tôi chỉ thấy anh mỗi khi sáng tác thì cầm ghi-ta để bấm “gam” và gõ nhịp, chứ chưa bao giờ thấy anh ôm đàn vừa hát vừa đệm như những tay sành điệu khác. Hẳn nhiên là biết chơi đàn và biết kỹ thuật để sáng tác nhạc là điều hoàn toàn khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng nhạc sĩ mà không chơi đàn cũng là chuyện lạ.

Ngô Minh